Thứ Bảy, 3 tháng 5, 2014

Suy Niệm Chúa 3 Phục Sinh- Năm A

Suy Niệm Chúa 3 Phục Sinh- Năm A
Lc 24,13-35
Suy niệm

ĐỨC GIÊSU TIẾN ĐẾN GẦN VÀ CÙNG ĐI VỚI HỌ
Chúng ta đang ở trong tuần thứ ba Mùa Phục sinh. Trong suốt những tuần sau lễ Phục sinh này, Giáo hội đưa chúng ta vào gặp gỡ với những con người đầu tiên đã kinh nghiệm về Chúa Phục sinh, nhằm giúp chúng ta đào sâu thêm sự cảm nhận và hiểu biết của chúng ta về mầu nhiệm này. Các trình thuật phục sinh giúp chúng ta hiểu rằng đức tin vào Chúa Phúc sinh không chỉ giới hạn và một sự kiện của quá khứ, hay nhằm thông báo cho người nghe những lần hiện ra của Chúa Phục sinh, nhưng còn hơn thế, sự hiện ra của Người giúp chúng ta hiểu rằng Người hiện diện và hiện diện vĩnh viễn với chúng ta.
Mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người
Trong bài Tin mừng hôm nay, thánh thánh Luca trình thuật lại một câu chuyện thật đẹp về hai môn đệ trên đường Emmaus. Hàng loạt những hành động của Chúa Giêsu Phục sinh được thánh Luca mô tả: Người tiến đến gần, cùng đi, hỏi chuyện, giải thích Kinh thánh, bẻ bánh, mở mắt cho các ông và biến mất. Trong lúc các ông đang còn hoang mang, lo lắng, thất vọng về những gì vừa xảy ra và rồi các rời bỏ Giêrusalem, thì Người hiện ra, đi bên cạnh các ông. Thế nhưng, mắt các ông vẫn đóng kín không nhận ra Người, Đấng mà trước đó từng sống với các ông. Các ông vẫn xem Người như người bạn đồng hành bình thường như bao người mà các ông thỉnh thoảng vẫn gặp trên đường, dù Người đã đi vào cuộc chuyện của các ông, Người đã đi sâu vào những nỗi lo lắng thất vọng của các ông. Thật vậy, Việc Chúa Giêsu “đến gần”, “cùng đi”, “hỏi chuyện”, … cho thấy rằng Người đang sống và đang quan tâm đến các môn đệ của Người. Các ông chỉ thực sự nhận ra Người khi Người rời xa các ông.
Cũng như hai môn đệ trên cuộc hành trình với bao nỗi lo âu, phiền muộn, nhiều lần chúng ta cũng không nhận ra sự hiện diện của Chúa Giêsu Phục sinh trong cuộc hành trình của cuộc đời mình. Chúng ta cảm thấy như Người bỏ rơi chúng ta, Người để cho chúng ta quị ngã, Người không đoái hoài đến chúng ta nữa. Nhưng, dù chúng ta có nhận ra Người hay không thì Người vẫn luôn đồng hành, và đồng hành cùng chúng ta qua những “bộ dạng” xem ra rất bình thường. Người ở với chúng ta trong mọi lúc và mọi cảnh huống của cuộc sống. Chúng ta không bao giờ là người độc hành trên con đường đời này. Vì thế, chúng ta cần sẵn sàng để nhận ra rằng Người đang đi vào cuộc đời chúng ta.
Xin ở lại với chúng con
Khi họ đến nơi họ cần đến, Chúa Giêsu tỏ ra Người còn phải tiếp tục đi. Người thực sự làm như thế, nếu họ không mời Người ở lại với họ: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn”. Chúa Giêsu không bao giờ bắt các ông tiếp đón Người khi các ông không muốn. Nhưng không có Người, một sự tối tăm thực sự, hơn cả sự tối tăm của buổi chiều tà, đang chụp xuống trên hai ông. Thật vậy, không gặp được Chúa Giêsu phục sinh, các ông sẽ tiếp tục cuộc hình trình không có tương.
Các ông đã thực hiện một bước tiến to lớn. Hai ông mời người khách lạ vào nhà của mình. Người thực sự đi vào cuộc sống của họ, nơi mà họ cư ngụ, nơi họ đang đối diện với những khó khăn. Thật vậy, Chúa Giêsu cũng đến với chúng ta bằng cách thế và những nơi như vậy. Và chúng ta có thể đón tiếp Người như một vị khách trong nhà chúng ta. Chúa Giêsu Phục sinh luôn muốn gặp chúng ta ở nơi mà chúng ta đang ở, nơi mà chúng ta đang đối diện với những vấn đề cam go trong cuộc sống, chứ không phải Người đến với chúng ta ở nơi mà chúng ta có thể hay sẽ đến ở. Người đến với chúng ta trong mọi hoàn cảnh sống bình thường, nhưng Người không áp đặt trên sự tự do chúng ta.
Cuộc hành trình về Emmaus bắt đầu trong sự tối tăm, ảm đạm và tuyệt vọng, nhưng nó kết thúc trong sự bừng cháy của tâm hồn, nhiệt huyết ra đi báo tin vui mình đã gặp được Chúa Phục sinh. Lúc đầu, mắt các ông còn bị ngăn cản, nay mắt các ông đã được mở ra để nhận biết Người. Đó là vì Người chủ động tiến đến gần, cùng đi, hỏi chuyện, giải thích Kinh thánh, bẻ bánh, mở mắt các ông. Thật vậy, cuộc gặp gỡ với Chúa Phục sinh đã làm cho họ nhìn thấy những biến cố đau buồn ở Giêrusalem trong một viễn ảnh khác, viễn ảnh của Thiên Chúa. Nếu chúng ta thực sự gặp được Chúa Giêsu phục sinh, thì chúng ta cũng sẽ nhìn những gì xảy ra trong thế giới hôm nay bằng một viễn ảnh mới, viễn ảnh của Thiên Chúa. Thay vì nhìn cái chết của Chúa Giêsu như là sự kết thúc của niềm hy vọng, bây giờ chúng ta nhìn nó như sự khởi đầu của một cuộc sống mới trong Chúa Phục sinh. Đó là câu chuyện đẹp, câu chuyện đầy hy vọng của thánh Luca và cũng là câu chuyện hình trình đức tin của chúng ta. 

Thứ Bảy, 26 tháng 4, 2014

Suy Niệm Chúa 2 Phục Sinh- Năm A


Suy Niệm Chúa 2 Phục Sinh- Năm A
HÃY CHẠM ĐẾN NGƯỜI
Cái chết của Chúa Giêsu phân tán các môn đệ và làm tan vỡ giấc mơ và niềm hy vọng Người sẽ cứu thoát dân tộc Israel. Những người kỳ vọng nhiều vào Chúa Giêsu xem biến cố Người bị treo trên thập giá như sự thất bại, và do đó họ cũng không thể lý giải hiện tượng “ngôi mộ trống” cho đến khi Chúa Phục sinh hiện ra và nói cho họ hiểu. Trong những lần hiện ra với các tông đồ, Chúa muốn chứng minh Người đã phục sinh qua việc cho họ thấy những vết thương nơi đôi bàn tay bàn chân bị đóng đinh, cạnh sườn bị đâm thủng của Người. Người trấn an họ, mang đến cho họ sự bình an, giúp họ lấy lại niềm tin và sai họ ra đi loan báo Tin mừng phục sinh. Trong bài Tin mừng hôm nay, một lần nữa chúng ta thấy  Chúa Giêsu sẵn lòng mời gọi Tôma chạm bàn tay của mình vào những vết thương đó.
Người cho các ông xem tay và cạnh sườn
Thật dễ mắc sai lầm khi cho rằng người ta sẽ có niềm tin nhờ được nhìn thấy Chúa Giêsu. Tin mừng nhiều lần cho chúng ta thấy rằng có nhiều người đã nhìn thấy Chúa Giêsu nhưng họ không tin vào Người. Nhìn thấy không phải là điều thiết yếu để có đức tin. Hành vi đức tin đòi hỏi một sự quyết định mang tín cá nhân và từ đó dân thân cho đức tin. Sau khi Chúa Giêsu bị đóng đinh, các ông rơi vào sợ hãi, các ông gặp khủng hoảng đề về đức tin trầm trọng. Cuộc sống cần kề trong ba năm qua không làm cho đức tin của các ông tăng trưởng và bền vững chút nào. Các ông dễ dàng tháo lui khi thầy mình bị đánh đập, nhục mạ, tra tấn, chết treo trên thập giá, ngoại trừ thánh Gioan. Vì thế, sự phục sinh không phải là điều kỳ vọng của các ông và hơn nữa vượt quá sức tưởng tượng của các ông.
Tôma không phải là tông đồ duy nhất nghi ngờ sự phục sinh của Chúa Giêsu. Các tông đồ khác đã từng bị Chúa Giêsu khiển trách vì “không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy”(Mc 16,14). Vì thế không lạ gì mỗi lần Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra với các môn đệ, sau lời chúc bình an, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn, rồi các môn đệ mới tỏ vẻ vui mừng vì được thấy Chúa. Chúa Giêsu làm vậy để các ông tin vào cách hiện diện mới của Người. Người muốn các ông hiểu rằng con người Phục sinh này cũng chính là con người đã từng sống, ăn ở, thi hành sứ vụ với các ông, chỉ khác một điều: thân xác đó được biến đổi.
Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!
Chúa Giêsu không che dấu các vết thương của mình trước các tông đồ. Người không quở trách sự nghi ngờ của Tôma, nhưng Người cho ông thấy các vết thương đó và mời ông chạm tay vào. Người muốn ông nhận ra Người. Người muốn dùng các vết thương đó để chữa lành sự nghi ngờ của của các ông. Người cho Tôma thấy những dấu chỉ của cái chết và tình yêu Người, và cũng chứng minh rằng Người là nguồn mạch ơn cứu độ. Khi Tôma chạm tay vào các vết thương đó, sự nghi ngờ của ông tan biến, và đức tin của ông hồi sinh.
Tôma đã phạm một sai lầm khi rời bỏ những tông đồ khác sau khi Chúa Giêsu chết. Ông đã chọn cách tách mình ra khỏi các tông đồ hơn là đồng hành với anh em trong lúc xảy ra nghịch cảnh. Ông không tin những người phụ nữ đã nhìn thấy Chúa Phục sinh và nghi ngờ lời chứng của những người anh em tông đồ của mình. Tuy nhiên, Tôma đã lấy lại can đảm để hòa nhập lại với các anh em tông đồ, và Chúa Giêsu tỏ mình ra cho ông và đoan chắc lần nữa rằng Người thực sự đã vượt qua cái chết và sống lại. Khi Tôma nhận ra Thầy mình, ông đã đi đến một quyết định bày tỏ niềm xác tín qua lời tuyên xưng mà trước đó chưa có ai thốt lên, “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Thật vậy, ông đi theo một lộ trình đức tin vào Chúa Phục sinh dài hơn các anh em khác, nhưng qua cảm nghiệm cá nhân và sự trợ giúp của Chúa Giêsu ông đã đạt được niềm tin. Ông đã bị Chúa Giêsu phục sinh khuất phục hoàn toàn. Đối với cá nhân ông bây giờ, Đức Giêsu là Đức Chúa và Thiên Chúa, Người là Đức Chúa có quyền năng cứu độ. Chính niềm tin đó đã thúc đẩy thánh Tôma tông đồ đã đi rao giảng ở Patia, Ba Tư và ngài cũng tới loan báo Tin Mừng tại Ấn Độ và được phúc tử đạo tại đó.
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đến gần với Người đụng chạm đến những vết thương của Người. Cho dù không chạm đến Người về thể lý, thì chúng ta cũng có thể gần người trong tinh thần và chân lý, trong Lời Chúa và Thánh Thể. Và chúng ta được mời gọi làm chứng cho người khác. Bổn phận của những người tin là làm cho Chúa Giêsu hữu hình trong thế giới. Một khi chúng ta đụng chạm được vào Chúa Kitô, chúng ta sẽ bị thôi thúc phải giới thiệu Chúa Giêsu Phục sinh cho người khác. Niềm tin đó phải thúc đẩy chúng ta ra đi như thánh Tôma trong bài Tin mừng hôm nay.

Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2014

Suy Niệm Chúa Phục Sinh- Năm A

Suy Niệm Chúa Phục Sinh- Năm A
Ga 20,1-9
Suy niệm
SỰ SỐNG MỚI TRONG CHÚA PHỤC SINH

Hôn nay toàn thể Giáo hội cử hành mầu nhiệm Phục sinh và vui mừng công bố “Chúa đã sống lại thật – chúng ta hãy vui mừng hoan hỉ. Chúa Giêsu đã sống lại! Đó là thông điệp hôm nay. Đó là đức tin nền tảng của Kitô giáo, vì như lời thánh Phaolô nói “nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng”(1Cr 15,14). Ngược lại, “Nếu như Đức Kitô Phục sinh, một điều gì đó mới đích thực xuất hiện, thay đổi cả thế giới và hoàn cảnh con người.

Con người mong mình tiếp tục tồn tại
Từ nơi sâu thẳm tâm hồn, con người luôn đặt vấn đề về hiện sinh của mình: tôi sống ở đời này để làm gì? Có sự sống đời sau hay không? Con người sẽ như thế nào sau khi chết?... Sở dĩ những câu hỏi như thế luôn chất vấn con người vì con người khao khát được sống và sống vĩnh cữu. Chính vì thế, sự kháng cự của con người trước cái chết đã trở thành hiển nhiên. Từ ngàn xưa, con người nghĩ rằng ở một nơi nào đó chắc chắn phải có một loại thảo dược chống lại cái chết, chống lại định mệnh nghiệt ngã này. Và họ lên rừng xuống biển để tìm loại thảo dượt đó. Ngày hôm nay cũng thế, con người đang đi tìm chất chữa trị để không những loại trừ cái chết, mà còn loại trừ hết sức có thể những nguyên nhân gây nên cái chết, cố gắng mang lại cho con người một cuộc sống tốt đẹp hơn và trường thọ hơn. Nếu thực sự được như thế thì cuộc sống sẽ ra sao? Có phải là một điều tốt đẹp khi cái chết không hoàn toàn được loại bỏ nhưng chỉ có thể được đẩy xa hơn một ít? Hay, một cuộc sống không có điểm kết thúc sẽ là một thiêng đàng hay một án phạt?
Thiên Chúa đã ban cho con người một loại “dược thảo” khác. Dược thảo ấy tạo nên trong chúng ta một cuộc sống mới, đích thực có khả năng hướng đến vĩnh cữu: dược thảo ấy phải biến đổi chúng ta đến độ chúng ta không còn phải chấm dứt với cái chết (Đức Bênêdictô VI).

Một sự sống hoàn toàn mới trong Chúa Giêsu Phục sinh
Các bằng chứng của Tân ước cho thấy rằng sự phục sinh của Chúa Giêsu không giống như một phép lạ mà Chúa Giêsu đã làm để phục hồi sự sống cho anh thanh niên thành Naim, con gái ông Giarô hay anh Lazarô, và rồi cuối cùng họ cũng đi vào cái chết vĩnh viễn. Nếu như thế, cuộc hiện sinh của con người không có gì thay đổi cả.
Cuộc phục sinh của Chúa Giêsu là một sự khai mở vào một sự sống hoàn toàn mới, một cuộc sống không bị qui luật thời gian và không gian chi phối, không nằm trong qui luật của sự chết và đổi thay, nhưng là sự sống được biến đổi. Thật vậy, Chúa Giêsu Phục sinh đi vào một con đường sống hoàn toàn mới. Sau phục sinh, người ta không nhận ra Người, ngay cả những người bạn thân thiết nhất. Người ở khắp mọi nơi trong một thân xác được biến đổi. Các nhân chứng đã chạm trán với một thực tế hoàn toàn mới mẻ, vượt quá cảm nghiệm của họ, dù rằng niềm tin sự phục sinh không phải là điều gì mới mẻ đối với họ. Niềm tin Do thái công nhận một có cuộc sống lại của người chết vào ngày sau hết. Thực tế mới lạ này đã chụp bắt họ và thúc đẩy họ làm chứng.

Ngôi mộ trống trong bài Tin mừng hôm nay là nơi mà Chúa Giêsu đã chào đón Maria Madalêna, Phêrô và Gioan, là nơi mà đức tin vào Chúa Giêsu Phục sinh được sinh ra, một đức tin trở nên đá tảng và đối tượng của lời rao giảng. Đó là đức tin mang đến sự biến đổi và thật cần thiết để giúp người Kitô hữu nhận ra rằng, với Chúa Giêsu phục sinh, tất cả chúng ta sẽ sống một cuộc sống mới. Cuốc sống mà chúng ta được tháp nhập vào Thân Thể Phục sinh của Chúa Giêsu trong bí tích Rửa tội, và hôm nay không ngừng được biến đổi, một cuộc sống sẽ biến đổi để được sống đời đời. Đó là Tin Mừng của ngày hôm nay, và Tin mừng này phải thúc đẩy chúng ta sống niềm vui Phục sinh ngay trong lúc này, và sau đó loan báo cho mọi người.

Thứ Bảy, 12 tháng 4, 2014

Suy Niệm Chúa Nhật Lễ Lá - Năm A

Suy Niệm Chúa Nhật Lễ Lá - Năm A
Mt 21, 1-11; 26,14-27,66
Suy niệm
CHÚC TỤNG ĐẤNG NGỰ ĐẾN NHÂN DANH ĐỨC CHÚA!
Hôm nay, toàn thể Giáo hội tưởng niệm biến cố Chúa Giêsu tiến vào đền thánh để hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua. Người đi vào thành Giêrusalem vào tuần cuối cùng của cuộc đời công khai trong sự tán dương, reo hò của dân chúng. Họ làm theo nghi thức đón rước một vị vua: lấy áo trải xuống đường, tay cầm cành lá cọ, miệng reo hò mừng rỡ: “Hoan hô Con vua Đavít! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Hoan hô trên các tầng trời.”(Mt 21,9). Trong khi đó, bài đọc Tin mừng Thánh lễ hôm nay lại gợi lên một hình khác thật trái ngược, một sự thay đổi thái độ thật đột ngột của đám đông dân chúng. Chính những người reo mừng Chúa Giêsu này, cũng là những người kêu gào đòi đóng đinh Người vào thập giá. Tại sao họ thay đổi thái độ nhanh như vậy?
“Hosanna! hoan hô con vua Đavít”. Nguyên thủy, lời này có ý nghĩa là “xin cứu giúp!”. Thời Chúa Giêsu, lời này mang ý nghĩa: mong chờ Đấng Mêsia. Như thế, lời hoan hô của đám đông biểu lộ niềm phấn khởi, khát khao, hy vọng giờ của Đấng Mêsia sắp xuất hiện. Người ta hy vọng một người mà có khả năng xua đuổi ma quỉ, làm cho người mù sáng mắt, người què đi được, người chết hồi sinh, có thể thay đổi bầu không khí chính trị ngột ngạt đang bao trùm trên dân chúng, có thể giải phóng họ khỏi ách thống trị của ngoại ban. Hosanna! Xin hãy cứu chúng tôi khỏi thảm cảnh này!
Khi quyết định lên Giêrusalem, Chúa Giêsu biết điều gì thực sự sắp xảy ra. Và khi tiến vào thành Giêrusalem, Người biết có sự “nhầm lẫn” nào đó trong những lời ca tụng đó. Thật vậy, họ tung hô Người nhưng không hiểu Người đích thực là ai và sứ mạng của Người là gì. Họ chỉ nhìn thấy dấu chỉ bề ngoài qua những hành động ban ơn cứu độ nhưng chưa nhận thấy được thực chất của ơn cứu độ Người sẽ mang đến. Vì thế, họ dễ dàng bị kích động, bị hướng theo những mục đích nhất thời. Chúa Giêsu nhận thức rõ ràng rằng: lời nói và hành động của Người làm cho người Do thái phẫn nộ, những lời tuyên bố công khai về căn tính của Người sẽ đưa đến sự phản bội và bắt bớ, sứ mạng Thiên sai không đáp ứng ước vọng tạm thời của dân chúng. Người hoàn toàn nhận thức rằng Cuộc Thương khó đang chờ đợi mình.
Biết vậy, nhưng Chúa Giêsu muốn chứng minh rằng mình cũng là một vị Vua, và Người đòi quyền của một vị vua, nhưng không phải là một vị vua được trạng bị bằng quyền lực, sức mạnh trần gian, vị vua có khả năng giải phóng dân Israel ra khỏi áp lực chính trị, xã hội. Người tiến vào thành trong tư cách là vị Vua hòa bình, khiêm hạ trên lưng lừa. “Người muốn con đường và hoạt động của Người phải được hiểu từ những lời hứa Cựu Ước, những lời hứa này đã trở thành hiện thực trong thực tại của Người: Người hoạt động và sống trong lời Thiên Chúa, chứ không từ chương trình hoạch định từ phía ước muốn của con người”(Đức Bênêdictô XVI).
Chúa Giêsu tiến lên Giêrusalem để thực thi sứ mạng giải phóng con người, và đỉnh điểm của cuộc tiến lên là thập giá. Chúa Giêsu đi trước chúng ta, Người hướng lên cao và Người muốn đưa chúng ta lên. Thật vậy, Người muốn kéo chúng ta ra khỏi vũng lầy của gian dối, tầm thường và dẫn chúng ta lên đến những gì là cao thượng, thanh khiết. Người muốn kéo chúng ta ra khỏi sức trì kéo của sự nóng nảy, dửng dưng và hướng chúng ta về tính kiên nhẫn, biết chịu đựng và sẵn sàng nâng đỡ người khác. Người dẫn chúng ta ra khỏi những tháp ngà khép kín và sự sợ hãi, và giúp chúng ta mở rộng lòng ra với những người đau khổ, trung kiên đứng về phía anh em, dầu cho có lúc lầm vào tình cảnh khó khăn. Người đưa chúng ta ra khỏi tù ngục của hận thù và dẫn chúng ta đến tình yêu và tiến về Thiên Chúa. Đó là sứ mạng đích thực của vị Vua Hòa bình.
Tóm lại, hôm nay chúng ta được mời gọi tưởng nhớ Chúa Giêsu Vua Hòa bình tiến vào thành Giêrusalem qua đó mời gọi chúng ta theo, hướng cái nhìn của chúng ta xa hơn, đến thành Thánh Giêrusalem trên trời, chứ không phải hướng vào thực tại tạm bợ, nhất thời như cứu cánh của cuộc đời. Giáo hội chào đón Chúa Giêsu như vị Vua, Đấng phát xuất từ Thiên Chúa, nhân danh Thiên Chúa đã đến với chúng ta. Ước gì Đấng ngự đến nhân danh Chúa sẽ mang đến cho trần gian điều đang có trên trời cao. Ước gì vương quyền và hòa bình của Thiên Chúa đi vào trần gian san bằng những vũng lầy, sự tối tăm, tù ngục vốn kéo con người xa lìa Thiên Chúa. Như thế, trần gian sẽ ngập tràn ánh sáng của vị Vua Hòa Bình.


Thứ Bảy, 5 tháng 4, 2014

Suy Niệm Chúa Nhật 5 Mùa Chay - Năm A

Suy Niệm Chúa Nhật 5 Mùa Chay - Năm A
Ga 11,1-45
Suy niệm
“Ông ta lại không thể làm cho anh ấy khỏi chết ư?”
Chúa Giêsu làm cho Lazarô sống lại là một trong những câu chuyện ấn tượng trong Thánh Kinh. Đây được xem như là bằng chứng xác thực chứng tỏ Chúa Giêsu chính là Thiên Chúa và Ngài có quyền trên sự sống con người. Đây là phép lạ thứ bảy mà Chúa Giêsu đã làm và là phép lạ quan trọng nhất trong số các phép lạ của Người trong Tân ước. Tuy nhiên đây không đơn thuần là một sự kiện phi thường, nhưng là một dấu chỉ của lời hứa Thiên Chúa “nâng dậy” tất cả những ai đã chết trong Đức Kitô được vào sự sống đời đời. Đây là niềm tin và hy vọng của chúng ta.
Những người Do thái đã chứng kiến nhiều phép lạ Chúa Giêsu đã làm. Việc làm cho người chết sống lại cũng không phải là phép lạ đầu tiên hay duy nhất của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã làm cho con gái ông Giaia (Lc 8, 40-56), và con trai bà goá thành Nain sống lại (Lc 7,11-16), Hai trường hợp này được phục hồi sự sống ngay sau khi chết, trong khí đó, Lazarô đã chết và chôn ở trong mồ được bốn ngày. Chính vì thế mà một số người Do thái hoài nghi về khả năng phục hồi sự sống đối với trường hợp của Lazarô: “Ông ta đã mở mắt cho người mù, lại không thể làm cho anh ấy khỏi chết ư?”, và Mátta cũng vậy, cô ngăn cản Chúa Giêsu khi Người bảo mọi người đem phiến đá chắn cửa mồ, cô liền nói: “Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày”. Chúng ta biết rằng người Do thái tin linh hồn của người chết, bằng cách này hay cách khác, ở bên thân xác ba ngày, nên thân xác chưa chết hẳn. Sau ba ngày, linh hồn sẽ rời vĩnh viễn thân xác, và lúc đó thân xác sẽ tan rã. Khả năng phục hồi sự sống là zero. Nên việc Mátta phản đối cho thấy một cái nhìn bình thường rằng: lúc này mọi tình thế đều vô vọng.
Những người quen biết cũng như gia đình đành bất lực trước cái chết đã đến ngày thứ bốn. Họ chỉ biết an ủi nhau cách yếu ớt. Họ biểu lộ niềm tin vào Đức Giêsu có thể chữa lành những người đau ốm, tật nguyền,… nhưng họ cũng biểu lộ sự thất vọng vì Chúa Giêsu không đến kịp lúc. Nhiều người trong họ cũng có niềm tin vào sự phục sinh, nhưng họ chỉ dừng lại ở khả năng phục sinh thân xác vào tương lai cánh chung, đó là lúc Thiên Chúa ra tay nhãn tiền, còn bây giờ thì không thể.
Chúa Giêsu nâng những ai chỗi dậy khi họ bắt đầu tình trạng sức cùng lực kiệt, suy tàn. Người trao ban ánh sáng cho người mù như một sự mặc khải về sức mạnh và quyền năng sáng tạo của Người. Người không chỉ làm cho con người hồi sinh qua việc kết hợp linh hồn và thể xác lại, nhưng Người cũng phục hồi chính thân xác. Vì thế, không chỉ là việc nâng Lazarô chỗi dậy như là một dấu chỉ biểu lộ căn tính Thiên Chúa và quyền lực trao ban sự sống của Người, điều này còn phản ánh thực tại của sự phục sinh thân xác. Thiên Chúa có thể phục hồi những thân xác sau khi đã hư nát. Đó là dấu chỉ của sự phục sinh mai sau.
Sự can thiệp của Chúa Giêsu cho thấy Thiên Chúa không phải là Đấng xa vời, dửng dưng trước các vấn đề hệ trọng của con người. Thiên Chúa làm người cũng có trái tim thương cảm, cũng động lòng xao xuyến, cũng thổn thức trong lòng. Hơn thế nữa, Chúa Giêsu còn là Thiên Chúa và Người thực sự muốn thay đổi điều gì đó cho con người và có thể đem lại sự nâng đỡ cho họ bằng quyền lực thần linh. Tuy nhiên, mục tiêu chính của Thiên Chúa nhập thể không phải là giải quyết những chuyện nhân sinh tạm bợ, nhưng Người muốn dùng những phép lạ đó để bày tỏ rằng Thiên Chúa muốn hướng, muốn dẫn con người người đến con đường của sự sống đích thật, và điều này thực sự xảy ra khi con người có đức tin. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu bảo Mátta: “nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa”.

Nói tóm lại, bằng hành vi của mình Chúa Giêsu cho thấy rằng cái chết không còn bách chiến bách thắng nữa. Nó không phải là giới hạn đối với Người, nhưng Người có quyền trên cái chết. Những điều Người muốn ban cho con người thật sự không phải là sự sống trần thế được kéo dài mãi mãi, nhưng sự sống trong sự hiệp thông vĩnh cữu với Thiên Chúa. Muốn thế, chúng ta cần tránh thái độ cứng lòng của người Do thái, và thái độ bán tín bán nghi của Mátta và Maria để hoàn toàn tin rằng “chính Người là sự sống lại và là sự sống…. tin vào Người sẽ không chết bao giờ (x. Ga 11,25-26).

Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2014

Suy Niệm Chúa Nhật 4 Mùa Chay- Năm A

Suy Niệm Chúa Nhật 4 Mùa Chay- Năm A
Ga 9,1-41
Suy niệm
Để công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện
Đứng trước người mù từ lúc mới sinh, các môn liền hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?” Thái độ đầu tiên của các môn đệ là tìm hiểu nguyên nhân làm cho anh thanh niên mù lòa. Chúa Giêsu thì khác, Người không đối diện với vấn đề bằng cách “nhìn lại đằng sau” như các môn đệ, nhưng người “nhìn tới trước” để thấy ý nghĩa của sự việc, và rồi người chữa lành tận căn cho anh. Hôm nay, đứng trước những người mù lòa, tật nguyền, người Kitô hữu sẽ có thái độ như thế nào, như các môn đệ hay như Chúa Giêsu? Người Kitô có đọc ra được ý muốn của Thiên Chúa và sau đó “chữa trị” họ hay chỉ đặt câu hỏi tại sao?
Đem lại ánh sáng là sứ mạng của Chúa Giêsu
Chúng ta có lẽ thừa nhận sự thật rằng, trong khi chúng ta đang sống, chúng ta cũng đang chết. Đây là lý do tại sao chúng ta bận tâm nhiều về sức khỏe thể lý. Khi chúng ta gặp rối loạn về thể lý, chúng ta nhanh chóng tìm ai đó để giúp mình. Nhìn chung, chúng ta sẽ nhờ đến các phương thế tự nhiên hay y khoa để chữa trị cơn đau về thể lý, nhưng nhờ Lời Chúa, chúng ta biết có một cách chữa trị khác bằng phương thế thần linh. Một kiểu chữa trị mà Thiên Chúa bị lôi kéo hoàn toàn và trực tiếp vào đó. Đây là kiểu chữa trị mà Chúa Giêsu đã làm.
Ước muốn chữa lành bệnh cho anh mù của Chúa Giêsu không xuất phát từ lời cầu xin của anh hay của ai khác, nhưng chính Người tự ý bước tới và chữa lành cho anh. Chúa Giêsu đã mở đôi mắt thể lý để anh thấy ánh sáng mặt trời, và Người tiếp tục mở đôi mắt của con tim để anh thấy “Ánh sáng cho trần gian”. Đó là sứ mạng “làm ánh sáng” của Chúa Giêsu trong thế gian này. Thật vậy, Người không chỉ hiện diện trên trái đất này, nhưng còn muốn bước tới con người, chữa lành và dẫn họ bước tới để họ càng ngày càng nhận thấy diện mạo đích thực của Người. Chúa Giêsu không những muốn mắt người mù được sáng để nhìn thấy mặt trời, mặt trăng, vẻ đẹp của thiên nhiên, của con người, còn hơn thế nữa, Người muốn con mắt của con tim, của đức tin của anh cũng được sáng để nhìn thấy Thiên Chúa và những điều kỳ diệu do bàn tay của Người.
Để Thiên Chúa được tỏ lộ
Sự chữa lành người mù của Chúa Giêsu chứng thực cho sự thật của lời rao giảng và những tuyên bố về quyền bính thần linh của Người. Đánh tan quan niệm sai lạc của người Do thái, Chúa Giêsu mời gọi những người thời Người nhìn nhận điều kiện của người mù như là cơ hội cho Thiên Chúa tỏ bày tỏ sức mạnh chữa lành. Thậy vậy, Thiên Chúa làm phép lạ để thỏa mãn nhu cầu của con người, bên cạnh đó Người cũng dùng phép lạ như một phương tiện để chứng thực cho những lời Người đã nói, như bằng chứng rằng Người đích thực là Đấng Kitô ( x. Ga 20,30-31).
Đứng trước những người khuyết tật bẩm sinh, nhiều người ngạc nhiên hay động lòng về sự thiếu may mắn của họ. Có thể họ sẽ đặt câu hỏi rằng nếu Chúa thật sự là Thiên Chúa Tình Yêu, vậy tại sao Người lại có thể để cho một sự dữ xảy ra như thế?. Nhưng cũng có những người tin rằng Chúa không bao giờ để xảy ra điều gì trong cuộc đời mà lại không có mục đích tốt của nó.
Nick Vujicic, một Kitô hữu, từ khi lọt lòng mẹ đã mang một khuyết tật: không tay không chân. Sự có mặt của anh trong cuộc đời này lúc đầu được xem như là sự bất hạnh cho gia đình và cả chính anh nữa. Thiên Chúa không lấy hết điều gì của ai, cũng không ban tất cả cho một ai. Điều này đúng cho trường hợp của Nick Vujicic. Mặc dù thiếu tứ chi, nhưng anh có một niềm tin, ý chí phi thường. Anh có thể làm được nhiều điều mà người khác có đầy đủ tay chân không làm được. Đối diện với nỗi bất hạnh của mình, anh không đặt câu hỏi tại sao với Thiên Chúa, nhưng nhận ra được ý định của Thiên Chúa thể hiện trong cuộc đời mình, và anh đi khắp nơi để tuyên xưng về tình thương của Thiên Chúa đã dành cho anh. Ngoài Nick Vujicic ra, xung quanh chúng ta còn có vô số người tật nguyền như vậy.
Tóm lại, ánh sáng và bóng tôi, khả năng nhìn thấy và sự mù lòa là những hình ảnh tương phản nhau trong bài Tin mừng hôm nay. Chúa Giêsu không những chữa lành sự mù lòa của đôi mắt thể xác, nhưng hơn thế, Người muốn chữa lành sự mù lòa tinh thần của chúng ta. Chúa Giêsu là ánh sáng thế gian và người ban cho những ai theo Người cũng có ánh sáng đem lại sự sống. Vì thế, tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu, mỗi Kitô hữu sẵn sàng giúp cho người khác nhận ra bàn tay quang phòng của Thiên Chúa hiện diện trong mỗi biến cố của cuộc sống. Đứng trước những đau khổ trong cuộc đời, thay vì đặt câu hỏi tại sao, với niềm tin vốn có, chúng ta hãy giúp người khác đọc ra được ý nghĩa, mục đích của biến cố đó.

Thứ Sáu, 21 tháng 3, 2014

Suy Niệm Chúa Nhật 3 Mùa Chay- Năm A

Suy Niệm Chúa Nhật 3 Mùa Chay- Năm A
Ga 4,5-42
Suy niệm

Chúa Giêsu khát - chúng ta khát
Khát! Có cơn khát do nhu cầu thể lý và cũng có cơn khát do nhu cầu tinh thần. Thường người ta khát cả hai. Cơn khát do thể lý hằng ngày có thể được thỏa mãn nhanh chóng bằng nước được ban cách nhưng không, tuy nhiên vẫn có rất nhiều người chết vì thiếu nước. Bên cạnh đó còn có những cơn khát sâu xa hơn, nó xuất phát từ đòi hỏi của tâm hồn. Cơn khát này nó cũng có sức hủy hoại con người không kém cơn khát kia. Thật vậy, con người mọi thời luôn đối diện với cơn khát này: khát tâm linh, khát Thiên Chúa. Thánh Gioan mô tả một cuộc đối thoại đi từ cơn khát tự nhiên đến cơn khát Thiên Chúa, từ nước tự nhiên đến kinh nghiệm về Thiên Chúa. Người phụ nữ Samary trong bài Tin mừng hôm nay sẽ nói cho chúng ta biết kinh nghiệm của cô về Thiên Chúa và sẽ dẫn đưa chúng ta đến gặp Thiên Chúa.
“Chị cho tôi xin chút nước uống!”
Câu chuyện gặp gỡ của Chúa Giêsu với người phụ nữ ở giếng nước khởi đầu từ một yêu cầu đơn giản: “chị cho tôi xin chút nước uống!” Đó là vào lúc giữa trưa. Chúa Giêsu đang khát. Người đến giếng nước gần Samari và dừng lại nghỉ ngơi. Người phụ nữ trong làng đến giếng lấy nước. Cô đi ra khỏi làng vào lúc giữa trưa để lấy nước uống. Lúc này, điều lịch sự cần làm là phải phớt lờ người khác. Bởi vì người Do thái và người Samary không được phép giao thiệp với nhau, và người đàn ông không được phép nói chuyện với người phụ nữ nơi công cộng.
Chúa Giêsu trò chuyện với người phụ nữ cách công khai. Về mặt xã hội, điều này không thể chấp nhận được, và người phụ nữ Samary đã nhắc nhở Chúa Giêsu điều này. Nhưng Chúa Giêsu vượt ra khỏi rào cản của thành kiến giới tính, chủng tộc và tôn giáo, bất chấp rào cản của sự xấu và tội lỗi để đem tin vui của sự bình an cho cô, cho người Samary và cả dân ngoại. Chúa Giêsu và các muôn đệ đang khát khô cổ họng sau nửa ngày đường nắng nóng, nhưng Chúa Giêsu đã quyên đi cái khát đó. Cơn khát thực sự của Người bây giờ là cơn khát trao ban niềm tin và ơn cứu độ cho người phụ nữ. Thật vậy, Người có khẳ năng và sẵn sàng giải đáp cơn khát sâu xa của con người, mà cơn khát thể lý chỉ là dấu chỉ khởi đầu, miễn là con người trải lòng ra với Người như người phục nữ Samary đã trải lòng ra với Người.
 “Xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát”
Như Chúa Giêsu, người phụ nữ cũng đang khát. Đó là lý do tại sao cô đến giếng lấy nước. Thực sự, cơn khát của cô vượt ra ngoài cái khát cổ họng. Tâm hồn cô cần một chút bình yên từ sự náo động và hỗn độn trong những mối quan hệ tình cảm và xã hội của mình. Cô cần sự tha thứ và sự giải thoát khỏi những điều xấu hổ mà cô đang gặp. Cô cần tình yêu mà cô tìm kiếm khá liều lĩnh nhưng không tìm thấy sau lần chung sống với người đàn ông thứ năm. Cô cần ai đó để có thể tin cậy và tin tưởng. Cô cần một Đấng Cứu độ!
Nước hằng sống có nghĩa thông thường là nước chảy ra từ một con suối chứ không phải là nước từ giếng, hồ, chum nước tù đọng. Loại nước mà Chúa Giêsu nói đến là nước sự sống, dòng nước chảy, tươi mát và tinh khiết. Nước đó có khẳ năng lăn lỏi vào nơi sâu thẳm của tâm hồn con người. Nước hằng sống đó xuất phát từ đầu nguồn Thiên Chúa và được Đức Giêsu múc lấy cho chúng ta hằng ngày qua Lời của Người và chính con người của Người.
Thật vậy, cuộc đối thoại của Chúa Giêsu tiến triển từ lời xin nước uống cho đến cuộc bàn luận về nước hằng sống. Sự nhận biết của người phụ nữ về Chúa Giêsu tăng dần. Đối với cô, Chúa Giêsu lúc đầu chỉ là một người Do thái lạ mặt, sau đó là một ngôn sứ, rồi cuối cùng là Mêsia và Đấng Cứu Độ. Cuộc gặp gỡ với sự tương tác lạ thường như thế khiến người phụ nữ quên đi cơn khát thể lý, vì thế cô cầu xin Chúa Giêsu: “cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát”. Cơn khát của người phụ nữ được thoả mãn khi cô bắt đầu ý thức được đâu là những gì vĩnh cửu và đâu là những cái chóng qua. Điều này làm cho cô vui mừng đến độ cô để cái vò lại bên bờ giếng nước, trở về và kêu lên: "Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Ki-tô sao?(Ga 4,29).

Trong cuộc hành trình đức tin của chúng ta, có thể có hai giai đoạn: tin bởi vì ai đó đã nói cho chúng ta biết về Chúa Giêsu, và tin bởi vì chúng ta biết Chúa Giêsu qua kinh nghiệm cá nhân của chúng ta. Mùa chay là thời gian làm mới lại kinh nghiệm cá nhân về đức tin của chúng ta. Chúng ta hãy thực hiện cuộc gặp gỡ diện đối diện với Chúa Giêsu, chúng ta hãy trải lòng ra với Người để Người chất vấn, đụng chạm, biến đổi chúng ta. Khi chúng ta quay về với Người như mạch nước hằng sống, thì những cơn khát sâu xa của ta mới được thoả mãn, tâm hồn ta mới được bình an.

Thứ Bảy, 15 tháng 3, 2014

Suy Niệm Chúa Nhật 2 Mùa Chay- Năm A

Suy Niệm Chúa Nhật 2 Mùa Chay- Năm A
Mt 17,1-9

Suy niệm
Chúng Ta Sẽ Được Rạng Ngời 
Sau một thời gian thi hành sứ vụ, Chúa Giêsu muốn biết các môn đệ và những người khác nghĩ gì về bản thân mình, nên khi đến vùng kế cận thành Xêdarê Philípphê, Chúa Giêsu mới hỏi các môn đệ: “người ta nói Con Người là ai?”, nghe xong câu trả lời, Người hỏi tiếp: “còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”(Mt 16,13-14). Ngày hôm nay, Chúa Giêsu cũng cần chúng ta có câu trả lời quyết liệt về bản thân Người. Chúng ta sẽ trả lời giống như những người chưa có đức tin rằng Người là một nhà tiên tri, một nhà cách mạng tôn giáo, một nhà hiền triết, một bậc thầy luân lý, hay với đức tin sâu sắc, chúng ta trả lời cách xác quyết rằng Chúa Giêsu chính là Thiên Chúa, là Thiên Chúa thật và là người thật. Thật vậy, cuộc biến hình của Chúa Giêsu cần thiết để củng cố niềm tin của các môn đệ vào thiên tính của Người như thế nào, thì cũng thật sự  cần thiết cho mỗi người Kitô hữu hôm nay như vậy. Việc suy niệm biến cố biến hình hôm nay sẽ giúp chúng ta kiểm điểm lại đức tin xem chúng ta đã thật sự tin vào thần tính của Người chưa và biến cố này có ý nghĩa gì đối với chúng ta?

Giêsu là Thiên Chúa
Bài Tin mừng hôm nay nằm trong bối cảnh thánh Phêrô, đại diện cho các tông đồ, đã tuyên xưng thầy mình, Chúa Giêsu, là Đấng  Mêsia mà Israel trong đợi. “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Đây là khoảnh khắc cho thấy sự tiến triển trong mối tương quan giữa Chúa Giêsu và các môn đệ. Ở một mức độ nào đó, thánh Phêrô đã nhận ra thần tính của Chúa Giêsu. Câu trả lời vang lên một điểm tới và như hoa quả của hoạt động của Chúa Giêsu. Người cũng cho các môn đệ hiểu rõ căn tính của một Mêsia đích thực là gì, và con đường Người sẽ đi qua. Người sẽ bị các nhà lãnh đạo loại trừ, bị bắt, bị nhục hình, bị tố cáo và ngay cả bị hành hình. Và Chúa Giêsu mời gọi những ai muốn là môn đệ của Người thì phải chuẩn bị bước trên cùng một con đường của Người, nhưng đó là con đường dẫn đến vinh quang, sự sống vĩnh cửu.
Chúa Giêsu muốn đưa các môn đệ đi đến chỗ hiểu biết rõ ràng và một lời tuyên xưng không mập mờ. Tất cả sự hiểu biết này tùy thuộc Người là ai. Vì thế, Người đưa các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan lên ngọn núi cao, rồi “Người biến hình trước các ông”. Chúa Giêsu muốn cho các ông thấy rằng Người có vinh quang Thiên Chúa và cuộc khải hoàn Phục sinh được giới thiệu trước. Thật vậy, cuộc biến hình là sự kết hiệp Thiên Chúa với nhân tính trong một con người, Đức Giêsu Kitô, được tỏ ra trong một cách thế đặc biệt. Ánh sáng, màu sắc, sự biến hóa nơi Chúa Giêsu cho thấy rằng Người là một nhân vật thuộc thế giới khác, là Con Người mặc lấy uy quyền  và vinh quang. Lúc này, tấm màn như được tháo gỡ và các môn đệ nhận thấy một thoáng hiện của thần tính chiếu sáng qua nhân tính. Đó thật sự là cuộc biến hình cần thiết để các môn đệ nhận thấy thần tính của Người: Con Thiên Chúa, đồng thời nhận ra sứ mạng thiên sai của Người: làm cho con người được biến đổi trong vinh quang Thiên Chúa.
Tham dự vào thiên tính mỗi ngày
Cuộc biến hình của Chúa Giêsu có ý nghĩa gì đối với người Kitô hữu hôm nay? Cuộc biến hình của Chúa Giêsu là biểu lộ tình yêu và ơn sủng của Người. Chúng ta có thể bị choáng ngợp bởi sự biến đổi hình dạng này, nhưng sự mặc khải đó của Thiên Chúa chứng thực cho chúng ta rằng Giêsu chính là Chúa, và đức tin của chúng ta vào Người không phải là sự hoang tưởng. Vì thế, chúng ta không nên sống trong sợ hãi, nhưng hãy sống và hành động trong Người nhờ đức tin. Qua cuộc biến hình, Chúa Giêsu muốn chúng ta sống niềm hy vọng vinh quang ở phía trước, dù chúng ta đang sống dưới mặt đất này. Chúng ta sẽ được biến đổi, sẽ được rạng ngời như chính Chúa Giêsu biến hình, khi sự cứu độ được hoàn tất trong sự Phục Sinh của Thân Xác. Chúng ta sẽ sống trong một trời mới đất mới, trong một vũ trụ được biến đổi. Thực tại cánh chung này sẽ tác động đến cách sống của chúng ta ngay bây giờ.
Đời sống Kitô hữu có ý nghĩa khi mỗi người tham dự thực sự vào thiên tính của Chúa Giêsu  mỗi ngày. Chúng ta phải được biến đổi trong Chúa Kitô, ngay bây giờ, bằng cách sống như Người đã sống, hành động như người đã hành động. Việc biến hình này chỉ hoàn tất khi toàn thể con người, gồm cả thân xác, hoàn toàn được cứu độ và biến đổi. Những người theo Chúa Giêsu, những người được biến hình, bạn và tôi, bây giờ đang bước đi trên con đường của Người và đang dần được biến đổi giống Người.

Tóm lại, biên cố biến hình giúp chúng ta giải thích ý nghĩa và cùng đích của cuộc sống con người. Cuộc biến hình của Chúa Giêsu là một thoáng hiện của điểm đến ở cuối cuộc hành trình mùa chay, đó là vinh quang của Chúa Phục sinh. Nó nhắc chúng ta nhớ rằng mùa chay thống hối sẽ cho chúng ta con đường đi đến niềm vui của sự Phục sinh, niềm vui của sự “biến hình”. 

Thứ Bảy, 8 tháng 3, 2014

Suy Niệm Chúa Nhật 1 Mùa Chay - Năm A

Suy Niệm Chúa Nhật 1 Mùa Chay - Năm A
Mt 4,1-11

Suy niệm

Tin mừng của thánh Mátthêu hôm nay thuật lại rằng Chúa Giêsu, được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, vào hoang địa để chịu cám dỗ như một con người. Trình thuật hấp dẫn lạ thường, thú vị và khá thực tế cho chúng ta, bởi vì, đây chính xác là hình thức cám dỗ mà chúng ta không ngừng đối diện hằng ngày: bánh ăn, lòng tín thác và quyền lực. Nếu chúng ta khám phá ra bí quyết làm sao mà Chúa Giêsu đương đầu với những cám dỗ đó, thì chúng ta sẽ học được cách đối phó với nó trong đới sống.
Cám dỗ thứ nhất: Bánh ăn
Cơn cám dỗ của ma quỉ thật tinh vi, nó“ không mời chúng ta trực tiếp đến điều xấu, như thế thì quá vụng về. Nó xuất hiện dưới những đòi hỏi thực tiễn:bánh để làm dịu cơn đói. Cơn cám dỗ chỉ bắt đầu khi Người cảm thấy đói. Satan thách thức Chúa Giêsu xem trong hoàn cảnh như thế liệu địa vị Con Thiên Chúa có thể giúp Người thỏa mãn cơn đói không? Trong những cơn đói khát như thế, thì việc đáp ứng lương thực là một đòi hỏi thực tiễn, còn những cái còn lại là tùy phụ, ngay cả những gì thuộc về Thiên Chúa cũng thiếu thực tế. Lịch sử dân Do Thái cho thấy, ngay thời dân ra khỏi Aicập, khi họ lang thang trong hoang địa không nước uống không bánh ăn, dân đã kêu trách Môsê và Aharon, qua đó kêu trách Thiên Chúa, dù họ biết rằng Thiên Chúa đã cứu họ khỏi ách thống trị của người Ai cập và Người không bao giờ bỏ rơi họ. Phẳng chăng Đấng cứu độ thì phải lo lắng để chấm dứt mọi cơn đói của con người, phải làm cho đá trở thành bánh?
Để giải đáp cho vấn đề, Chúa Giêsu khẳng định một chân lý sâu xa rằng con người sống “không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”. Chúa Giêsu không dửng dưng trước cái đói, trước nhu cầu vật chất của con người, nhưng Người đặt chúng vào liên hệ đúng đắn và trật tự thích hợp. Tiên tri Elisha cho dân ăn bánh theo lệnh của Đức Chúa, tuy chỉ có hai mươi ổ bánh nhưng cả trăm người ăn mà còn dư. Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều vì Ngài cảm thương dân chúng đói khát, và hơn thế nữa Người đã ban chính thân mình Người làm của ăn của uống nuôi thảo mãn cơn đói của con người. Thật vậy, một khi con người biết lắng nghe Lời Chúa, mở tâm hồn mình ra với Thiên Chúa và với tha nhân thì họ sẽ nhận được lương thực cách đúng đắn.

Cám dỗ thứ hai: Lòng tín thác
Nếu ông tin rằng Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho ông, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho ông khỏi vấp chân vào đá (x. Mt 4,6), thì ông hãy gieo mình xuống đi! Nếu ông không gieo mình xuống, thì chứng tỏ ông biết Thiên Chúa sẽ không hề giữ gìn ông hoặc Thiên Chúa đã bỏ rơi ông. Đó là những lời lẽ thách thức nhằm lung lạc lòng tín thác của Chúa Giêsu vào Thiên Chúa, và hằng ngày những lời lẽ đó làm cho lòng tín thác của chúng ta dao động. Thật vậy, không ít lần, qua những cảnh huống hằng ngày, những lời thách thức như thế đến từ bên ngoài và ngay cả từ trong nội tâm đã thách đố lòng tín thác của chúng ta vào Thiên Chúa. Bao nhiêu lần chúng ta đã thử thách Thiên Chúa: lạy Chúa, nếu ngài làm như vậy cho con thì con sẽ yêu ngài? Hoặc, ngài là Thiên Chúa công minh thì tại sao ngài lại để những chuyện bất công xảy ra như vậy? Nếu có một niềm tin sâu sắc, chắc chắn mỗi người sẽ đấm ngực nhủ rằng “chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa".

Cám dỗ thứ ba: Quyền lực

Satan cám dỗ Chúa Giêsu thực thi sứ mạng “cứu độ thế giới” bằng một cách thức dễ dãi, nhục nhã hơn hành động chết trên thập giá. Nếu Chúa Giêsu chỉ cúi đầu trước Satan thì Người sẽ đón nhận và cai trị thế giới này, mà không phải trải qua những cực hình, đội mão gai, đóng đinh và chết trên thập giá. Nhưng cái giá phải trả của Chúa Giêsu là bán linh hồn cho qủi dữ.

Cũng cách thức như vậy, satan không ngừng cám dỗ làm chúng ta sa vào quyền lực để đạt cho được vinh hoa lợi lộc bất chấp luân thường đạo lý, để cho satan hướng dẫn mình. Quyền lực để trợ giúp cho việc “trị quốc bình thiên hạ” không phải là điều xấu xa. Vì quyền lực bắt nguồn từ Thiên Chúa, vì Người là chủ tể muôn loài, là Đấng có quyền năng trên trời dưới đất. Tuy niên, chỉ có quyền lực chấp nhận tiêu chuẩn và chịu sự thẩm phán của Thiên Chúa mới trở thành quyền lực hướng đến những điều thiện hảo.  

Tóm lại, một số người nghi ngờ sự thật về một thế giới đầy dãy sự dữ. Thế nhưng, qua những phương tiện truyền thông, chúng ta thấy nhan nhãn những hành động tàn phá môi trường tự nhiên, bạo lực, tình trạng bất công, mù chữ, nghèo đói,.. xảy ra đó đây khắp thế giới. Đó không phải là sự dữ sao? Đó không phải là hậu quả của những lúc con người chiều theo những cám dỗ tin vi của satan sao? Thật vậy, đó là hầu quả của những đòn tấn công mà  satan sử dụng để nhắm vào kế hoạch thần linh của Thiên Chúa: “cho con người được sống và sống dồi dào”. Noi gương Chúa Giêsu, trong mùa chay này, chúng ta hãy chuẩn bị đời sống nội tâm thật sâu sắc, biết mở lòng mình ra cho Thiên Chúa để Người hướng dẫn, hành động, và chỉ bằng cách đó chúng ta mới có thể vượt qua những cơn cám dỗ hằng ngày.

Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2014

Suy Niệm Chúa Nhật 8 Thường niên - Năm A

SUY NIỆM CHÚA NHẬT 8 THƯỜNG NIÊN - NĂM A

Suy niệm

LÀM TÔI THIÊN CHÚA
Mt 6,24-34
 
 
Tin mừng hôm nay của thánh Mátthêu bắt đầu với lời tuyên bố mạnh mẽ của Chúa Giêsu: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được”(Mt 6,24). Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta điều gì?
Không thể làm tôi hai chủ
Rõ ràng Chúa Giêsu không đề nghị cho những người theo Chúa một thái độ dửng dưng, coi thường tiền bạc, nhưng Người cảnh báo thái độ thượng tôn tiền của, xem tiền của như cứu cánh duy nhất của cuộc sống làm người. Sự trung thành của các môn đệ, những người theo Chúa Giêsu, không thể bị chia đôi được. Đó là sự trung thành mà chúng ta hay cha mẹ chúng ta đã cam kết khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, qua đó chúng ta để cho Chúa chiếm hữu và hướng dẫn cuộc đời chúng ta, và xem Người là cứu cánh của cuộc đời chúng ta.
Thật vậy, Chúa Giêsu nhấn mạnh rằng một người không thể làm tôi hai chủ được. Chúa Giêsu không có ý chê bai, coi thường những giá trị của vật chất, nhưng là đề nghị cho chúng ta một thái độ ứng xử đúng đắn trước tiền của, phải biết định giá chúng. Trong thực tế có những người ảo tưởng rằng nếu có tiền và quyền lực thì cuộc sống của họ và gia đình sẽ được bảo đảm, an toàn và hạnh phúc. Và như thế, chẳng lẽ không còn gì khác còn lại trên thế gian này được gọi là hạnh phúc đích thực cả? Về căn bản, tiền bạc chỉ là phương tiện để đổi chác, qua đó những nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống được đáp ứng, giá trị căn bản của con người được bảo đảm. Vấn đề nảy sinh khi tiền của trở thành cứu cánh cho mọi hành động của con người, khi tiền của trở thành kẻ thao túng mọi suy nghĩ, hành động, cách ứng xử và lối sống của con người. Tiền bạc giống như một con dao hai lưỡi, nó có thể là một đầy tớ tốt nhưng là một ông chủ tồi. Chúng ta biết rằng: “cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé (1 Tm 6,6-8).
Ai là ông chủ?
Hôm nay, Chúa Giêsu đòi hỏi các môn đệ trung thành với sự lựa chọn của mình: để Chúa làm chủ cuộc đời của mình. Vì thế, chúng ta phải loại trừ mọi “ông chủ” khác vốn làm rạn nứt tình thân giữa con người với Thiên Chúa. “Ông chủ” của chúng ta là bất cứ ai, điều gì hướng dẫn cách suy nghĩ về cuộc sống, tư tưởng của chúng ta, và kiểm soát mọi ước muốn của tâm hồn và những giá trị mà chúng ta chọn lựa để sống theo. Chúng ta có thể bị thống trị bởi nhiều thứ khác nhau: yêu tiền bạc và của cải, sức mạnh của địa vị và danh vọng, sức quyến rũ của giàu sang và danh tiếng, đam mê phóng túng và ước muốn xấu xa. Cuối cùng sự chọn lựa ai là ông chủ của chúng ta chung qui là Thiên Chúa hay tiền của.
Nói tóm lại Chúa Giêsu đòi hỏi các môn đệ hôm nay hãy suy gẫm về những gì làm nên giá trị căn bản nhất cho cuộc sống của một con người. Chúng ta phải lựa chọn giữa cái nhìn của Thiên Chúa và mối bận tâm lo lắng của chúng ta về tiền của. Hai sự lựa chọn này không tương hợp với nhau. Cho nên, chúng ta có lẽ phải chấp nhận trải qua những cơn đau đớn để loại ra khỏi cuộc đời mình rất nhiều điều mà chúng ta đã từng xem đó như là những hỗ trợ cần thiết cho cuộc sống, để cuối cùng chính Thiên Chúa là “ông chủ” còn lại hướng dẫn cuộc đời chúng ta.
Lạy Chúa, “Xin đừng để con túng nghèo, cũng đừng cho con giàu có; chỉ xin cho con cơm bánh cần dùng, kẻo được quá đầy dư, con sẽ khước từ Ngài mà nói: "Đức Chúa là ai vậy ?" hay nếu phải túng nghèo, con sinh ra trộm cắp, làm ô danh Thiên Chúa của con”(Tv 30,9-10.) Amen.
 
 

Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2014

Suy niệm Chúa Nhật 7 Thường Niên - Năm A

Suy niệm Chúa Nhật 7 Thường Niên - Năm A
Mt 5,38-48

Suy niệm

“Mắt đền mắt sẽ làm cho cả thế giới mù lòa”

Trong khung cảnh Bài Giảng Trên Núi, qua bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục đề nghị một lối hành xử đặc trưng cho những người theo Người. Chúa Giêsu đặt trước người nghe cách diễn tả của luật cũ:“mắt đền mắt, răng đền răng”, và “hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù”, và qua đó Người đề nghị một tinh thần sống luật mới: hãy yêu kẻ thù và những người ngược đãi mình. Phải chăng đòi hỏi của Chúa Giêsu đi ngược lại sự sự công bằng? Tha thứ kẻ thù là điều không thể thực hiện được?

Đem yêu thương vào nơi oán thù”
Dưới khía cạnh pháp lý, những người nào gây thiệt hại về tinh thần lẫn thể chất cho ai thì có nghĩa vụ đền bù cho người bị hại và sửa chữa chính mình. Đó là điều chính đáng. Tuy nhiên, việc trả thù hay việc đòi bồi thường là một quyền chứ không phải là nghĩa vụ. Người bị hại có quyền yêu cầu để được bồi thường những thiệt hại, nhưng họ không bị buộc phải làm như vậy. Họ có thể hoàn toàn tha thứ cho người gây hại mình. Hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi những người theo người từ bỏ quyền trả thù, quyền“mắt đền mắt, răng đền răng” này. Tại sao vậy?
Chúa Giêsu không muốn chúng ta giẫm lên “vết xe đỗ” của người làm hại chúng ta, tức là tránh quay về với sự xấu, lấy sự xấu để đối phó với sự xấu, nhưng là tìm kiếm sự tốt lành để tiêu diệt sự xấu. “Dĩ đức báo oán"(Khổng tử). Người muốn các muôn đệ sẵn sàng “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm”. Chúa Giêsu đưa ra một tiêu chuẩn mới không chỉ dựa trên những đòi hỏi của sự công bằng: trả lại công bằng cho người bị xâm hại, mà còn dựa trên luật của ân sủng và yêu thương. Vì “mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính”(MT 5,45). Thiên Chúa đối xử tốt với những người lành cũng như kẻ dữ. Tình yêu người bao trùm những người thánh thiện cũng như người tội lỗi. Thiên Chúa tìm kiếm những điều tốt lành nhất và dạy chúng ta tìm kiếm những điều tốt lành nơi những người khác, dù cho họ có thù ghét hay đã từng hãm hại chúng ta.
Trong thực tế hôm nay, bạo lực và hận thù không phải là giải pháp đem lại hòa bình cho những “xung đột” giữa người này với người kia, giữa quốc gia này với quốc gia kia. Một thái độ chất chứa hận thù và bạo lực sẽ đưa thế giới đến một kết cục thảm hại: bạo lực, chiến tranh, chết chóc tang thương,.. Luật“mắt đền mắt sẽ làm cho cả thế giới mù lòa” (Mahatma Gandhi), và không bao giờ thấy được ánh sáng của hòa bình.

Chúng ta có thể tha thứ cho kẻ thù?
Hầu hết chúng ta không phải là những “bậc thánh” để có thể dễ dàng tha thứ hết mọi lỗi lầm của người làm hại chúng ta, nhưng nếu trái tim chúng ta còn sức chứa đựng thì chúng ta hoàn toàn có thể đón nhận họ vào. Tha thứ luôn là linh dược chữa trị mọi khổ đau của người được tha thứ lẫn người tha thứ. Tha thứ chính là đỉnh cao của tình yêu. Nếu bình tĩnh và biết quan sát thì bao giờ chúng ta thấy rằng kẻ gây ra lầm lỗi chính là nạn nhân rất đáng thương. Họ có thể làm cho ta đau vì đã lỡ làm cho ta tổn thương nhưng chính họ mới khổ nhiều nhất vì những sân hận hay những bế tắc tâm lý đang bủa vây và hành hạ trong từng giây từng phút, và không biết khi nào họ mới bừng tỉnh ra để tạo lập đời sống bình an và hạnh phúc. Vì thế, hơn ai hết họ cần được yêu thương, tha thứ và cầu nguyện từ phía chúng ta.

Điều gì làm cho các Kitô hữu khác với những người khác? Điều gì làm cho người Kitô hữu dễ được nhận biết hơn những người khác? Đó là ân sủng, tức là cách đối xử với người khác, không như họ mong muốn nhưng như Thiên Chúa muốn họ được đối xử như thế: đối xử với tình yêu mến và thương cảm. Với Thiên Chúa không có gì không thể, vì thế cho nên Người luôn ban cho chúng ta sức mạnh và ân sủng để chúng ta hành động như Người. Tình yêu của Người chinh phục tất cả, ngay cả lúc chúng ta đang gặp nỗi đau, sự sợ hãi. Chỉ thánh giá của Chúa Giêsu mới có thể giải phóng chúng ta khỏi sự thống trị của những ác tâm, hận thù, oán hận và giúp chúng ta can đảm đối phó sự dữ bằng sự tốt lành. Chúa Giêsu đã tha thứ cho những người bách hại mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm."(Lc 23,34). Bằng cách đó chúng ta làm cho lịch sử nhân loại thấm đượm tinh thần Tin mừng và Tin mừng trở thành một thực tại sống động và có thật, hòa bình chiến thắng óc hiếu chiến ưa gây hấn, tình yêu khống chế được hận thù. “Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,45).


Thứ Bảy, 15 tháng 2, 2014

Suy niệm Chúa Nhật 6 Thường Niên - Năm A

Suy niệm Chúa Nhật 5 Thường Niên - Năm A
Tin mừng Mt 5,17-37
LUẬT CHÚA GIÚP CON NGƯỜI SỐNG DỒI DÀO
Lời Chúa hôm nay có lẽ sẽ khiến nhiều người khó chịu trước những khoản luật, những đòi buộc luân lý của Chúa Giêsu. Dẫu biết rằng “luật chẳng qua chỉ làm cho người ta ý thức về tội”(Rm 3,20), nhưng rất nhiều người có khuynh hướng nhìn luật Chúa dưới khía tiêu cực hơn là tích cực. Những điều răn của Chúa như những gánh nặng mà họ phải mang hằng ngày. Tuy nhiên, nếu bình tâm một chút, suy niệm một chút, chúng ta sẽ thốt lên như lời tác giả thánh vịnh 119: “Thánh chỉ Ngài là khúc nhạc của con; Thánh ý Ngài là gia nghiệp con mãi mãi, vì đó là hoan lạc của lòng con” (Tv 119,54.111).
Luật Chúa là gánh nặng?
Bạn nghĩ rằng Thiên Chúa thật bất nhẫn khi đặt ra những điều luật mà chúng ta không thể sống theo được? Như thế, có bao giờ ban thử đặt câu hỏi: một bác sĩ có bất nhẫn khi cho bạn biết nguyên nhân căn bệnh của bạn là do bạn ăn thực phẩm có độc tố? Bạn nghĩ gì khi bác sĩ kê cho bạn một toa thuốc giải độc và cứ để bạn tiếp tục ăn những thực phẩm có độc tố kia, là thứ mà nó sẽ giết chết bạn?
Trọng cuộc sống hằng ngày, có những luật đòi hỏi chúng ta phải tôn trọng và thực thi thì mới bảo đảm được sự sống toàn vẹn của chính chúng ta, và của người khác nữa. Cũng vậy, việc giữ luật Chúa sẽ giúp người Kitô hữu tránh khỏi những đau khổ, vì luật Chúa cho chúng ta thấy được những nguyên nhân của đau khổ, buồn phiền trong tinh thần và thể xác. Thiên Chúa bày ra trước mặt chúng ta con đường của sự sống và con đường của sự chết, và mỗi phút giây trong cuộc đời chúng ta phải chọn lựa hoặc con đường này hoặc con đường kia. Khi chúng ta sống theo luật Chúa và thực thi lòng bác ái, công bằng, tha thứ, tử tế và phi bạo lực, thì chúng ta hoàn toàn chọn con đường của sự sống và sớm muộn gì chúng ta cũng đón những hiệu quả tốt lành nhờ vào lối sống đó.
Thiên Chúa là một nhà sư phạm đầy kinh nghiệm. Người đòi hỏi con người phải vươn lên, vươn cao lên mãi, nhưng Người không đòi hỏi những điều vượt quá khả năng của con người. Bằng uy quyền vốn có, Chúa Giêsu không áp đặt những điều luật cách võ đoán, nhưng cho thấy một thứ bậc mới các giá trị. Mỗi khuynh hướng ích kĩ, những ước muốn tính dục, việc tìm kiếm lợi lộc cá nhân bằng cách lừa dối, phải biến mất trong đời sống của người Kitô hữu.
Luật Chúa làm cho chúng ta sống dồi dào
Dĩ nhiên, luật Chúa không làm cho chúng ta sống dư dật về của cải vật chất, nhưng sống sung mãn về tinh thần. Vì con người sống là sống những mối tương quan: với Thiên Chúa, với tha nhân, với vạn vật và với chính mình, nên con người cần phải sống theo đạo làm người, đó là hoàn thiện bản thân, tu dưỡng đạo đức nơi chính mình và có trách nhiệm với những người chung quanh, tức là mọi ứng xử của cá nhân không gây thiệt hại đến Thiên Chúa, không làm hoen ố, xúc phạm đến hình ảnh của Người nơi mình và người khác, đồng thời chúng ta có bổn phận đem được sự an vui, hạnh phúc đến cho mọi người. Do đó, luật Chúa luôn chứa đựng đạo lý con người, như kim chỉ nam để con người sống cho ra người, sống đúng đạo làm người.
Thật vậy, luật Chúa cho con người cách duy nhất để sống dồi dào ngay bây giờ, trong cuộc đời này! Đây là một sự đòi hỏi của Đức Giêsu với các môn đệ: họ phải có một lối sống “dồi dào hơn” sự công chính của giới kinh sư và Pharisêu. Như thánh Phaolô nói rằng có lẽ ngài sẽ không biết điều gì gây ra sự đau khổ của ngài nếu ngài không biết đến luật (x. Rm 7,7). Và như thánh Gioan nói “các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông” (Ga 8,32). Luật Chúa giải phóng chúng ta khỏi việc mang lấy những nỗi đau, buồn phiền và đau khổ của chính bản thân và của mọi người xung quanh. Giải phóng khỏi sự hối tiếc, tội lỗi và sự xấu hổ. Giải phóng khỏi sự đồi bại, hoen ố, tham lam, dâm dục, chiến tranh, giết người, bệnh tật, trụy lạc, nghiện ngập,… 

Nói tóm lại, để được giải phóng và trở nên hoàn thiệnchúng ta cần đến sự khôn ngoan đích thực vốn chỉ có nơi Thiên Chúa và chúng ta được thừa hưởng nhờ thánh ý của Người. Thật hạnh phúc cho chúng ta sống đời hoàn thiện, biết noi theo luật Chúa! (x.Tv 119, 1). Để trở nên khôn ngoan chúng ta cần chọn lựa cách cẩn thận những gì mà chúng ta muốn chọn, không phải bằng cách vâng phục mù quáng, theo nghĩa đen, thiếu tình yêu, nhưng bằng việc phân định và cầu nguyện. Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu không đưa ra một tiêu chuẩn nào mới nữa, nhưng Người muốn đặt người Kitô hữu ở vị trí cao hơn tiêu chuẩn đánh giá của thế gian. Luật mới của Đức Giêsu sẽ tạo nên những con người mới, một xã hội mới, tạo nên “Nước Trời” nơi mà chúng ta sẽ “trở nên hoàn thiện như chính Thiên Chúa là Đấng Hoàn Thiện”(Mt 5,48).