Suy Niệm Chúa 2 Phục Sinh- Năm A
HÃY CHẠM ĐẾN NGƯỜI
Cái chết của Chúa Giêsu phân tán các môn đệ và làm tan
vỡ giấc mơ và niềm hy vọng Người sẽ cứu thoát dân tộc Israel. Những người kỳ vọng
nhiều vào Chúa Giêsu xem biến cố Người bị treo trên thập giá như sự thất bại,
và do đó họ cũng không thể lý giải hiện tượng “ngôi mộ trống” cho đến khi Chúa
Phục sinh hiện ra và nói cho họ hiểu. Trong những lần hiện ra với các tông đồ, Chúa
muốn chứng minh Người đã phục sinh qua việc cho họ thấy những vết thương nơi đôi
bàn tay bàn chân bị đóng đinh, cạnh sườn bị đâm thủng của Người. Người trấn an
họ, mang đến cho họ sự bình an, giúp họ lấy lại niềm tin và sai họ ra đi loan
báo Tin mừng phục sinh. Trong bài Tin mừng hôm nay, một lần nữa chúng ta thấy Chúa Giêsu sẵn lòng mời gọi Tôma chạm bàn tay của
mình vào những vết thương đó.
Người cho các ông xem
tay và cạnh sườn
Thật dễ mắc sai lầm khi cho rằng người ta sẽ có niềm
tin nhờ được nhìn thấy Chúa Giêsu. Tin mừng nhiều lần cho chúng ta thấy rằng có
nhiều người đã nhìn thấy Chúa Giêsu nhưng họ không tin vào Người. Nhìn thấy
không phải là điều thiết yếu để có đức tin. Hành vi đức tin đòi hỏi một sự quyết
định mang tín cá nhân và từ đó dân thân cho đức tin. Sau khi Chúa Giêsu bị đóng
đinh, các ông rơi vào sợ hãi, các ông gặp khủng hoảng đề về đức tin trầm trọng.
Cuộc sống cần kề trong ba năm qua không làm cho đức tin của các ông tăng trưởng
và bền vững chút nào. Các ông dễ dàng tháo lui khi thầy mình bị đánh đập, nhục
mạ, tra tấn, chết treo trên thập giá, ngoại trừ thánh Gioan. Vì thế, sự phục
sinh không phải là điều kỳ vọng của các ông và hơn nữa vượt quá sức tưởng tượng
của các ông.
Tôma không phải là tông đồ duy nhất nghi ngờ sự phục sinh
của Chúa Giêsu. Các tông đồ khác đã từng bị Chúa Giêsu khiển trách vì “không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không
chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy”(Mc 16,14). Vì
thế không lạ gì mỗi lần Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra với các môn đệ, sau lời
chúc bình an, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn, rồi các môn đệ mới tỏ vẻ
vui mừng vì được thấy Chúa. Chúa Giêsu làm vậy để các ông tin vào cách hiện diện
mới của Người. Người muốn các ông hiểu rằng con người Phục sinh này cũng chính là
con người đã từng sống, ăn ở, thi hành sứ vụ với các ông, chỉ khác một điều: thân
xác đó được biến đổi.
Lạy Chúa của con, lạy
Thiên Chúa của con!
Chúa Giêsu không che dấu các vết thương của mình trước
các tông đồ. Người không quở trách sự nghi ngờ của Tôma, nhưng Người cho ông thấy
các vết thương đó và mời ông chạm tay vào. Người muốn ông nhận ra Người. Người
muốn dùng các vết thương đó để chữa lành sự nghi ngờ của của các ông. Người cho
Tôma thấy những dấu chỉ của cái chết và tình yêu Người, và cũng chứng minh rằng
Người là nguồn mạch ơn cứu độ. Khi Tôma chạm tay vào các vết thương đó, sự nghi
ngờ của ông tan biến, và đức tin của ông hồi sinh.
Tôma đã phạm một sai lầm khi rời bỏ những tông đồ khác
sau khi Chúa Giêsu chết. Ông đã chọn cách tách mình ra khỏi các tông đồ hơn là
đồng hành với anh em trong lúc xảy ra nghịch cảnh. Ông không tin những người phụ
nữ đã nhìn thấy Chúa Phục sinh và nghi ngờ lời chứng của những người anh em
tông đồ của mình. Tuy nhiên, Tôma đã lấy lại can đảm để hòa nhập lại với các anh
em tông đồ, và Chúa Giêsu tỏ mình ra cho ông và đoan chắc lần nữa rằng Người thực
sự đã vượt qua cái chết và sống lại. Khi Tôma nhận ra Thầy mình, ông đã đi đến
một quyết định bày tỏ niềm xác tín qua lời tuyên xưng mà trước đó chưa có ai thốt
lên, “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của
con!” Thật vậy, ông đi theo một lộ trình đức tin vào Chúa Phục sinh dài hơn
các anh em khác, nhưng qua cảm nghiệm cá nhân và sự trợ giúp của Chúa Giêsu ông
đã đạt được niềm tin. Ông đã bị Chúa Giêsu phục sinh khuất phục hoàn toàn. Đối
với cá nhân ông bây giờ, Đức Giêsu là Đức Chúa và Thiên Chúa, Người là Đức Chúa
có quyền năng cứu độ. Chính niềm tin đó đã thúc đẩy thánh Tôma tông đồ đã đi
rao giảng ở Patia, Ba Tư và ngài cũng tới loan báo Tin Mừng tại Ấn Độ và được
phúc tử đạo tại đó.
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đến gần với Người đụng chạm
đến những vết thương của Người. Cho dù không chạm đến Người về thể lý, thì
chúng ta cũng có thể gần người trong tinh thần và chân lý, trong Lời Chúa và
Thánh Thể. Và chúng ta được mời gọi làm chứng cho người khác. Bổn phận của những
người tin là làm cho Chúa Giêsu hữu hình trong thế giới. Một khi chúng ta đụng chạm
được vào Chúa Kitô, chúng ta sẽ bị thôi thúc phải giới thiệu Chúa Giêsu Phục
sinh cho người khác. Niềm tin đó phải thúc đẩy chúng ta ra đi như thánh Tôma
trong bài Tin mừng hôm nay.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét