Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2014

Suy Niệm Chúa Phục Sinh- Năm A

Suy Niệm Chúa Phục Sinh- Năm A
Ga 20,1-9
Suy niệm
SỰ SỐNG MỚI TRONG CHÚA PHỤC SINH

Hôn nay toàn thể Giáo hội cử hành mầu nhiệm Phục sinh và vui mừng công bố “Chúa đã sống lại thật – chúng ta hãy vui mừng hoan hỉ. Chúa Giêsu đã sống lại! Đó là thông điệp hôm nay. Đó là đức tin nền tảng của Kitô giáo, vì như lời thánh Phaolô nói “nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng”(1Cr 15,14). Ngược lại, “Nếu như Đức Kitô Phục sinh, một điều gì đó mới đích thực xuất hiện, thay đổi cả thế giới và hoàn cảnh con người.

Con người mong mình tiếp tục tồn tại
Từ nơi sâu thẳm tâm hồn, con người luôn đặt vấn đề về hiện sinh của mình: tôi sống ở đời này để làm gì? Có sự sống đời sau hay không? Con người sẽ như thế nào sau khi chết?... Sở dĩ những câu hỏi như thế luôn chất vấn con người vì con người khao khát được sống và sống vĩnh cữu. Chính vì thế, sự kháng cự của con người trước cái chết đã trở thành hiển nhiên. Từ ngàn xưa, con người nghĩ rằng ở một nơi nào đó chắc chắn phải có một loại thảo dược chống lại cái chết, chống lại định mệnh nghiệt ngã này. Và họ lên rừng xuống biển để tìm loại thảo dượt đó. Ngày hôm nay cũng thế, con người đang đi tìm chất chữa trị để không những loại trừ cái chết, mà còn loại trừ hết sức có thể những nguyên nhân gây nên cái chết, cố gắng mang lại cho con người một cuộc sống tốt đẹp hơn và trường thọ hơn. Nếu thực sự được như thế thì cuộc sống sẽ ra sao? Có phải là một điều tốt đẹp khi cái chết không hoàn toàn được loại bỏ nhưng chỉ có thể được đẩy xa hơn một ít? Hay, một cuộc sống không có điểm kết thúc sẽ là một thiêng đàng hay một án phạt?
Thiên Chúa đã ban cho con người một loại “dược thảo” khác. Dược thảo ấy tạo nên trong chúng ta một cuộc sống mới, đích thực có khả năng hướng đến vĩnh cữu: dược thảo ấy phải biến đổi chúng ta đến độ chúng ta không còn phải chấm dứt với cái chết (Đức Bênêdictô VI).

Một sự sống hoàn toàn mới trong Chúa Giêsu Phục sinh
Các bằng chứng của Tân ước cho thấy rằng sự phục sinh của Chúa Giêsu không giống như một phép lạ mà Chúa Giêsu đã làm để phục hồi sự sống cho anh thanh niên thành Naim, con gái ông Giarô hay anh Lazarô, và rồi cuối cùng họ cũng đi vào cái chết vĩnh viễn. Nếu như thế, cuộc hiện sinh của con người không có gì thay đổi cả.
Cuộc phục sinh của Chúa Giêsu là một sự khai mở vào một sự sống hoàn toàn mới, một cuộc sống không bị qui luật thời gian và không gian chi phối, không nằm trong qui luật của sự chết và đổi thay, nhưng là sự sống được biến đổi. Thật vậy, Chúa Giêsu Phục sinh đi vào một con đường sống hoàn toàn mới. Sau phục sinh, người ta không nhận ra Người, ngay cả những người bạn thân thiết nhất. Người ở khắp mọi nơi trong một thân xác được biến đổi. Các nhân chứng đã chạm trán với một thực tế hoàn toàn mới mẻ, vượt quá cảm nghiệm của họ, dù rằng niềm tin sự phục sinh không phải là điều gì mới mẻ đối với họ. Niềm tin Do thái công nhận một có cuộc sống lại của người chết vào ngày sau hết. Thực tế mới lạ này đã chụp bắt họ và thúc đẩy họ làm chứng.

Ngôi mộ trống trong bài Tin mừng hôm nay là nơi mà Chúa Giêsu đã chào đón Maria Madalêna, Phêrô và Gioan, là nơi mà đức tin vào Chúa Giêsu Phục sinh được sinh ra, một đức tin trở nên đá tảng và đối tượng của lời rao giảng. Đó là đức tin mang đến sự biến đổi và thật cần thiết để giúp người Kitô hữu nhận ra rằng, với Chúa Giêsu phục sinh, tất cả chúng ta sẽ sống một cuộc sống mới. Cuốc sống mà chúng ta được tháp nhập vào Thân Thể Phục sinh của Chúa Giêsu trong bí tích Rửa tội, và hôm nay không ngừng được biến đổi, một cuộc sống sẽ biến đổi để được sống đời đời. Đó là Tin Mừng của ngày hôm nay, và Tin mừng này phải thúc đẩy chúng ta sống niềm vui Phục sinh ngay trong lúc này, và sau đó loan báo cho mọi người.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét