Thứ Bảy, 5 tháng 4, 2014

Suy Niệm Chúa Nhật 5 Mùa Chay - Năm A

Suy Niệm Chúa Nhật 5 Mùa Chay - Năm A
Ga 11,1-45
Suy niệm
“Ông ta lại không thể làm cho anh ấy khỏi chết ư?”
Chúa Giêsu làm cho Lazarô sống lại là một trong những câu chuyện ấn tượng trong Thánh Kinh. Đây được xem như là bằng chứng xác thực chứng tỏ Chúa Giêsu chính là Thiên Chúa và Ngài có quyền trên sự sống con người. Đây là phép lạ thứ bảy mà Chúa Giêsu đã làm và là phép lạ quan trọng nhất trong số các phép lạ của Người trong Tân ước. Tuy nhiên đây không đơn thuần là một sự kiện phi thường, nhưng là một dấu chỉ của lời hứa Thiên Chúa “nâng dậy” tất cả những ai đã chết trong Đức Kitô được vào sự sống đời đời. Đây là niềm tin và hy vọng của chúng ta.
Những người Do thái đã chứng kiến nhiều phép lạ Chúa Giêsu đã làm. Việc làm cho người chết sống lại cũng không phải là phép lạ đầu tiên hay duy nhất của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã làm cho con gái ông Giaia (Lc 8, 40-56), và con trai bà goá thành Nain sống lại (Lc 7,11-16), Hai trường hợp này được phục hồi sự sống ngay sau khi chết, trong khí đó, Lazarô đã chết và chôn ở trong mồ được bốn ngày. Chính vì thế mà một số người Do thái hoài nghi về khả năng phục hồi sự sống đối với trường hợp của Lazarô: “Ông ta đã mở mắt cho người mù, lại không thể làm cho anh ấy khỏi chết ư?”, và Mátta cũng vậy, cô ngăn cản Chúa Giêsu khi Người bảo mọi người đem phiến đá chắn cửa mồ, cô liền nói: “Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày”. Chúng ta biết rằng người Do thái tin linh hồn của người chết, bằng cách này hay cách khác, ở bên thân xác ba ngày, nên thân xác chưa chết hẳn. Sau ba ngày, linh hồn sẽ rời vĩnh viễn thân xác, và lúc đó thân xác sẽ tan rã. Khả năng phục hồi sự sống là zero. Nên việc Mátta phản đối cho thấy một cái nhìn bình thường rằng: lúc này mọi tình thế đều vô vọng.
Những người quen biết cũng như gia đình đành bất lực trước cái chết đã đến ngày thứ bốn. Họ chỉ biết an ủi nhau cách yếu ớt. Họ biểu lộ niềm tin vào Đức Giêsu có thể chữa lành những người đau ốm, tật nguyền,… nhưng họ cũng biểu lộ sự thất vọng vì Chúa Giêsu không đến kịp lúc. Nhiều người trong họ cũng có niềm tin vào sự phục sinh, nhưng họ chỉ dừng lại ở khả năng phục sinh thân xác vào tương lai cánh chung, đó là lúc Thiên Chúa ra tay nhãn tiền, còn bây giờ thì không thể.
Chúa Giêsu nâng những ai chỗi dậy khi họ bắt đầu tình trạng sức cùng lực kiệt, suy tàn. Người trao ban ánh sáng cho người mù như một sự mặc khải về sức mạnh và quyền năng sáng tạo của Người. Người không chỉ làm cho con người hồi sinh qua việc kết hợp linh hồn và thể xác lại, nhưng Người cũng phục hồi chính thân xác. Vì thế, không chỉ là việc nâng Lazarô chỗi dậy như là một dấu chỉ biểu lộ căn tính Thiên Chúa và quyền lực trao ban sự sống của Người, điều này còn phản ánh thực tại của sự phục sinh thân xác. Thiên Chúa có thể phục hồi những thân xác sau khi đã hư nát. Đó là dấu chỉ của sự phục sinh mai sau.
Sự can thiệp của Chúa Giêsu cho thấy Thiên Chúa không phải là Đấng xa vời, dửng dưng trước các vấn đề hệ trọng của con người. Thiên Chúa làm người cũng có trái tim thương cảm, cũng động lòng xao xuyến, cũng thổn thức trong lòng. Hơn thế nữa, Chúa Giêsu còn là Thiên Chúa và Người thực sự muốn thay đổi điều gì đó cho con người và có thể đem lại sự nâng đỡ cho họ bằng quyền lực thần linh. Tuy nhiên, mục tiêu chính của Thiên Chúa nhập thể không phải là giải quyết những chuyện nhân sinh tạm bợ, nhưng Người muốn dùng những phép lạ đó để bày tỏ rằng Thiên Chúa muốn hướng, muốn dẫn con người người đến con đường của sự sống đích thật, và điều này thực sự xảy ra khi con người có đức tin. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu bảo Mátta: “nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa”.

Nói tóm lại, bằng hành vi của mình Chúa Giêsu cho thấy rằng cái chết không còn bách chiến bách thắng nữa. Nó không phải là giới hạn đối với Người, nhưng Người có quyền trên cái chết. Những điều Người muốn ban cho con người thật sự không phải là sự sống trần thế được kéo dài mãi mãi, nhưng sự sống trong sự hiệp thông vĩnh cữu với Thiên Chúa. Muốn thế, chúng ta cần tránh thái độ cứng lòng của người Do thái, và thái độ bán tín bán nghi của Mátta và Maria để hoàn toàn tin rằng “chính Người là sự sống lại và là sự sống…. tin vào Người sẽ không chết bao giờ (x. Ga 11,25-26).

0 nhận xét:

Đăng nhận xét