Thứ Bảy, 3 tháng 5, 2014

Suy Niệm Chúa 3 Phục Sinh- Năm A

Suy Niệm Chúa 3 Phục Sinh- Năm A
Lc 24,13-35
Suy niệm

ĐỨC GIÊSU TIẾN ĐẾN GẦN VÀ CÙNG ĐI VỚI HỌ
Chúng ta đang ở trong tuần thứ ba Mùa Phục sinh. Trong suốt những tuần sau lễ Phục sinh này, Giáo hội đưa chúng ta vào gặp gỡ với những con người đầu tiên đã kinh nghiệm về Chúa Phục sinh, nhằm giúp chúng ta đào sâu thêm sự cảm nhận và hiểu biết của chúng ta về mầu nhiệm này. Các trình thuật phục sinh giúp chúng ta hiểu rằng đức tin vào Chúa Phúc sinh không chỉ giới hạn và một sự kiện của quá khứ, hay nhằm thông báo cho người nghe những lần hiện ra của Chúa Phục sinh, nhưng còn hơn thế, sự hiện ra của Người giúp chúng ta hiểu rằng Người hiện diện và hiện diện vĩnh viễn với chúng ta.
Mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người
Trong bài Tin mừng hôm nay, thánh thánh Luca trình thuật lại một câu chuyện thật đẹp về hai môn đệ trên đường Emmaus. Hàng loạt những hành động của Chúa Giêsu Phục sinh được thánh Luca mô tả: Người tiến đến gần, cùng đi, hỏi chuyện, giải thích Kinh thánh, bẻ bánh, mở mắt cho các ông và biến mất. Trong lúc các ông đang còn hoang mang, lo lắng, thất vọng về những gì vừa xảy ra và rồi các rời bỏ Giêrusalem, thì Người hiện ra, đi bên cạnh các ông. Thế nhưng, mắt các ông vẫn đóng kín không nhận ra Người, Đấng mà trước đó từng sống với các ông. Các ông vẫn xem Người như người bạn đồng hành bình thường như bao người mà các ông thỉnh thoảng vẫn gặp trên đường, dù Người đã đi vào cuộc chuyện của các ông, Người đã đi sâu vào những nỗi lo lắng thất vọng của các ông. Thật vậy, Việc Chúa Giêsu “đến gần”, “cùng đi”, “hỏi chuyện”, … cho thấy rằng Người đang sống và đang quan tâm đến các môn đệ của Người. Các ông chỉ thực sự nhận ra Người khi Người rời xa các ông.
Cũng như hai môn đệ trên cuộc hành trình với bao nỗi lo âu, phiền muộn, nhiều lần chúng ta cũng không nhận ra sự hiện diện của Chúa Giêsu Phục sinh trong cuộc hành trình của cuộc đời mình. Chúng ta cảm thấy như Người bỏ rơi chúng ta, Người để cho chúng ta quị ngã, Người không đoái hoài đến chúng ta nữa. Nhưng, dù chúng ta có nhận ra Người hay không thì Người vẫn luôn đồng hành, và đồng hành cùng chúng ta qua những “bộ dạng” xem ra rất bình thường. Người ở với chúng ta trong mọi lúc và mọi cảnh huống của cuộc sống. Chúng ta không bao giờ là người độc hành trên con đường đời này. Vì thế, chúng ta cần sẵn sàng để nhận ra rằng Người đang đi vào cuộc đời chúng ta.
Xin ở lại với chúng con
Khi họ đến nơi họ cần đến, Chúa Giêsu tỏ ra Người còn phải tiếp tục đi. Người thực sự làm như thế, nếu họ không mời Người ở lại với họ: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn”. Chúa Giêsu không bao giờ bắt các ông tiếp đón Người khi các ông không muốn. Nhưng không có Người, một sự tối tăm thực sự, hơn cả sự tối tăm của buổi chiều tà, đang chụp xuống trên hai ông. Thật vậy, không gặp được Chúa Giêsu phục sinh, các ông sẽ tiếp tục cuộc hình trình không có tương.
Các ông đã thực hiện một bước tiến to lớn. Hai ông mời người khách lạ vào nhà của mình. Người thực sự đi vào cuộc sống của họ, nơi mà họ cư ngụ, nơi họ đang đối diện với những khó khăn. Thật vậy, Chúa Giêsu cũng đến với chúng ta bằng cách thế và những nơi như vậy. Và chúng ta có thể đón tiếp Người như một vị khách trong nhà chúng ta. Chúa Giêsu Phục sinh luôn muốn gặp chúng ta ở nơi mà chúng ta đang ở, nơi mà chúng ta đang đối diện với những vấn đề cam go trong cuộc sống, chứ không phải Người đến với chúng ta ở nơi mà chúng ta có thể hay sẽ đến ở. Người đến với chúng ta trong mọi hoàn cảnh sống bình thường, nhưng Người không áp đặt trên sự tự do chúng ta.
Cuộc hành trình về Emmaus bắt đầu trong sự tối tăm, ảm đạm và tuyệt vọng, nhưng nó kết thúc trong sự bừng cháy của tâm hồn, nhiệt huyết ra đi báo tin vui mình đã gặp được Chúa Phục sinh. Lúc đầu, mắt các ông còn bị ngăn cản, nay mắt các ông đã được mở ra để nhận biết Người. Đó là vì Người chủ động tiến đến gần, cùng đi, hỏi chuyện, giải thích Kinh thánh, bẻ bánh, mở mắt các ông. Thật vậy, cuộc gặp gỡ với Chúa Phục sinh đã làm cho họ nhìn thấy những biến cố đau buồn ở Giêrusalem trong một viễn ảnh khác, viễn ảnh của Thiên Chúa. Nếu chúng ta thực sự gặp được Chúa Giêsu phục sinh, thì chúng ta cũng sẽ nhìn những gì xảy ra trong thế giới hôm nay bằng một viễn ảnh mới, viễn ảnh của Thiên Chúa. Thay vì nhìn cái chết của Chúa Giêsu như là sự kết thúc của niềm hy vọng, bây giờ chúng ta nhìn nó như sự khởi đầu của một cuộc sống mới trong Chúa Phục sinh. Đó là câu chuyện đẹp, câu chuyện đầy hy vọng của thánh Luca và cũng là câu chuyện hình trình đức tin của chúng ta. 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét