Suy niệm Chúa Nhật 7 Thường Niên - Năm A
Mt 5,38-48
Suy niệm
“Mắt đền mắt sẽ làm cho cả thế giới mù lòa”
Trong khung cảnh Bài Giảng Trên Núi, qua
bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục đề nghị một lối hành xử đặc trưng cho
những người theo Người. Chúa Giêsu đặt trước người nghe cách diễn tả của luật
cũ:“mắt đền mắt, răng đền răng”, và “hãy yêu đồng loại và
hãy ghét kẻ thù”, và qua đó Người đề nghị một tinh thần sống luật mới: hãy
yêu kẻ thù và những người ngược đãi mình. Phải chăng đòi hỏi của Chúa Giêsu đi
ngược lại sự sự công bằng? Tha thứ kẻ thù là điều không thể thực hiện được?
“Đem yêu thương vào nơi oán thù”
Dưới khía cạnh pháp lý, những người nào
gây thiệt hại về tinh thần lẫn thể chất cho ai thì có nghĩa vụ đền bù cho người
bị hại và sửa chữa chính mình. Đó là điều chính đáng. Tuy nhiên, việc trả thù
hay việc đòi bồi thường là một quyền chứ không phải là nghĩa vụ. Người bị hại
có quyền yêu cầu để được bồi thường những thiệt hại, nhưng họ không bị buộc
phải làm như vậy. Họ có thể hoàn toàn tha thứ cho người gây hại mình. Hôm nay,
Chúa Giêsu mời gọi những người theo người từ bỏ quyền trả thù, quyền“mắt đền
mắt, răng đền răng” này. Tại sao vậy?
Chúa Giêsu không muốn chúng ta giẫm lên
“vết xe đỗ” của người làm hại chúng ta, tức là tránh quay về với sự xấu, lấy sự
xấu để đối phó với sự xấu, nhưng là tìm kiếm sự tốt lành để tiêu diệt sự
xấu. “Dĩ đức báo oán"(Khổng tử). Người muốn các muôn đệ sẵn
sàng “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an
hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm”. Chúa Giêsu đưa
ra một tiêu chuẩn mới không chỉ dựa trên những đòi hỏi của sự công bằng: trả lại
công bằng cho người bị xâm hại, mà còn dựa trên luật của ân sủng và yêu thương.
Vì “mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho
mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính”(MT 5,45). Thiên Chúa
đối xử tốt với những người lành cũng như kẻ dữ. Tình yêu người bao trùm những
người thánh thiện cũng như người tội lỗi. Thiên Chúa tìm kiếm những điều tốt
lành nhất và dạy chúng ta tìm kiếm những điều tốt lành nơi những người khác, dù
cho họ có thù ghét hay đã từng hãm hại chúng ta.
Trong thực tế hôm nay, bạo lực và hận thù
không phải là giải pháp đem lại hòa bình cho những “xung đột” giữa người này
với người kia, giữa quốc gia này với quốc gia kia. Một thái độ chất chứa hận
thù và bạo lực sẽ đưa thế giới đến một kết cục thảm hại: bạo lực, chiến tranh,
chết chóc tang thương,.. Luật“mắt đền mắt sẽ làm cho cả thế giới mù lòa” (Mahatma
Gandhi), và không bao giờ thấy được ánh sáng của hòa bình.
Chúng ta có thể tha thứ cho kẻ thù?
Hầu hết chúng ta không phải là những “bậc
thánh” để có thể dễ dàng tha thứ hết mọi lỗi lầm của người làm hại chúng ta,
nhưng nếu trái tim chúng ta còn sức chứa đựng thì chúng ta hoàn toàn có thể đón
nhận họ vào. Tha thứ luôn là linh dược chữa trị mọi khổ đau của người được tha
thứ lẫn người tha thứ. Tha thứ chính là đỉnh cao của tình yêu. Nếu bình tĩnh và
biết quan sát thì bao giờ chúng ta thấy rằng kẻ gây ra lầm lỗi chính là nạn
nhân rất đáng thương. Họ có thể làm cho ta đau vì đã lỡ làm cho ta tổn thương
nhưng chính họ mới khổ nhiều nhất vì những sân hận hay những bế tắc tâm lý đang
bủa vây và hành hạ trong từng giây từng phút, và không biết khi nào họ mới bừng
tỉnh ra để tạo lập đời sống bình an và hạnh phúc. Vì thế, hơn ai hết họ cần
được yêu thương, tha thứ và cầu nguyện từ phía chúng ta.
Điều gì làm cho các Kitô hữu khác với
những người khác? Điều gì làm cho người Kitô hữu dễ được nhận biết hơn những
người khác? Đó là ân sủng, tức là cách đối xử với người khác,
không như họ mong muốn nhưng như Thiên Chúa muốn họ được đối xử như thế: đối xử
với tình yêu mến và thương cảm. Với Thiên Chúa không có gì không thể, vì thế
cho nên Người luôn ban cho chúng ta sức mạnh và ân sủng để chúng ta hành động
như Người. Tình yêu của Người chinh phục tất cả, ngay cả lúc chúng ta đang gặp
nỗi đau, sự sợ hãi. Chỉ thánh giá của Chúa Giêsu mới có thể giải phóng chúng ta
khỏi sự thống trị của những ác tâm, hận thù, oán hận và giúp chúng ta can đảm
đối phó sự dữ bằng sự tốt lành. Chúa Giêsu đã tha thứ cho những người bách hại
mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm."(Lc
23,34). Bằng cách đó chúng ta làm cho lịch sử nhân loại thấm đượm tinh thần Tin
mừng và Tin mừng trở thành một thực tại sống động và có thật, hòa bình chiến
thắng óc hiếu chiến ưa gây hấn, tình yêu khống chế được hận thù. “Như vậy,
anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt
5,45).
0 nhận xét:
Đăng nhận xét