Suy Niệm Chúa Nhật 1 Mùa Chay - Năm A
Mt 4,1-11
Suy niệm
Tin mừng của thánh Mátthêu hôm nay thuật lại rằng Chúa
Giêsu, được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, vào hoang địa để chịu cám dỗ như một con
người. Trình thuật hấp dẫn lạ thường, thú vị và khá thực tế cho chúng ta, bởi
vì, đây chính xác là hình thức cám dỗ mà chúng ta không ngừng đối diện hằng
ngày: bánh ăn, lòng tín thác và quyền lực. Nếu chúng ta khám phá ra bí quyết
làm sao mà Chúa Giêsu đương đầu với những cám dỗ đó, thì chúng ta sẽ học được cách
đối phó với nó trong đới sống.
Cám dỗ thứ nhất: Bánh ăn
Cơn cám dỗ của ma quỉ thật
tinh vi, nó“ không mời chúng ta trực tiếp
đến điều xấu, như thế thì quá vụng về. Nó xuất hiện dưới những đòi hỏi thực tiễn:bánh
để làm dịu cơn đói. Cơn cám dỗ chỉ bắt đầu khi Người cảm thấy đói. Satan thách
thức Chúa Giêsu xem trong hoàn cảnh như thế liệu địa vị Con Thiên Chúa có thể giúp Người thỏa mãn cơn đói không? Trong những
cơn đói khát như thế, thì việc đáp ứng lương thực là một đòi hỏi thực tiễn, còn
những cái còn lại là tùy phụ, ngay cả những gì thuộc về Thiên Chúa cũng thiếu
thực tế. Lịch sử dân Do Thái cho thấy, ngay thời dân ra khỏi Aicập, khi họ lang
thang trong hoang địa không nước uống không bánh ăn, dân đã kêu trách Môsê và
Aharon, qua đó kêu trách Thiên Chúa, dù họ biết rằng Thiên Chúa đã cứu họ khỏi
ách thống trị của người Ai cập và Người không bao giờ bỏ rơi họ. Phẳng chăng Đấng
cứu độ thì phải lo lắng để chấm dứt mọi cơn đói của con người, phải làm cho đá
trở thành bánh?
Để giải đáp cho vấn đề,
Chúa Giêsu khẳng định một chân lý sâu xa rằng con người sống “không chỉ nhờ
cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”. Chúa Giêsu không
dửng dưng trước cái đói, trước nhu cầu vật chất của con người, nhưng Người đặt
chúng vào liên hệ đúng đắn và trật tự thích hợp. Tiên tri Elisha cho dân ăn
bánh theo lệnh của Đức Chúa, tuy chỉ có hai mươi ổ bánh nhưng cả trăm người ăn
mà còn dư. Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều vì Ngài cảm thương dân chúng đói khát,
và hơn thế nữa Người đã ban chính thân mình Người làm của ăn của uống nuôi thảo
mãn cơn đói của con người. Thật vậy, một khi con người biết lắng nghe Lời Chúa,
mở tâm hồn mình ra với Thiên Chúa và với tha nhân thì họ sẽ nhận được lương thực
cách đúng đắn.
Cám dỗ thứ hai: Lòng tín thác
Nếu ông tin rằng Thiên Chúa sẽ
truyền cho thiên sứ lo cho ông, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho ông khỏi
vấp chân vào đá (x. Mt 4,6), thì ông hãy gieo mình xuống đi! Nếu ông không gieo
mình xuống, thì chứng tỏ ông biết Thiên Chúa sẽ không hề giữ gìn ông hoặc Thiên
Chúa đã bỏ rơi ông. Đó là những lời lẽ thách thức nhằm lung lạc lòng tín thác
của Chúa Giêsu vào Thiên Chúa, và hằng ngày những lời lẽ đó làm cho lòng tín
thác của chúng ta dao động. Thật vậy, không ít lần, qua những cảnh huống hằng
ngày, những lời thách thức như thế đến từ bên ngoài và ngay cả từ trong nội tâm
đã thách đố lòng tín thác của chúng ta vào Thiên Chúa. Bao nhiêu lần chúng ta
đã thử thách Thiên Chúa: lạy Chúa, nếu ngài làm như vậy cho con thì con sẽ yêu
ngài? Hoặc, ngài là Thiên Chúa công minh thì tại sao ngài lại để những chuyện
bất công xảy ra như vậy? Nếu có một niềm tin sâu sắc, chắc chắn mỗi người sẽ đấm
ngực nhủ rằng “chớ thử thách Đức Chúa là
Thiên Chúa".
Cám dỗ thứ ba: Quyền lực
Satan cám dỗ Chúa Giêsu thực
thi sứ mạng “cứu độ thế giới” bằng một cách thức dễ dãi, nhục nhã hơn hành động
chết trên thập giá. Nếu Chúa Giêsu chỉ cúi đầu trước Satan thì Người sẽ đón
nhận và cai trị thế giới này, mà không phải trải qua những cực hình, đội mão
gai, đóng đinh và chết trên thập giá. Nhưng cái giá phải trả của Chúa Giêsu là
bán linh hồn cho qủi dữ.
Cũng cách thức như vậy, satan
không ngừng cám dỗ làm chúng ta sa vào quyền lực để đạt cho được vinh hoa lợi
lộc bất chấp luân thường đạo lý, để cho satan hướng dẫn mình. Quyền lực để trợ
giúp cho việc “trị quốc bình thiên hạ” không phải là điều xấu xa. Vì quyền lực
bắt nguồn từ Thiên Chúa, vì Người là chủ tể muôn loài, là Đấng có quyền năng
trên trời dưới đất. Tuy niên, chỉ có quyền lực chấp nhận tiêu chuẩn và chịu sự
thẩm phán của Thiên Chúa mới trở thành quyền lực hướng đến những điều thiện
hảo.
Tóm lại, một số người nghi ngờ
sự thật về một thế giới đầy dãy sự dữ. Thế nhưng, qua những phương tiện truyền
thông, chúng ta thấy nhan nhãn những hành động tàn phá môi trường tự nhiên, bạo
lực, tình trạng bất công, mù chữ, nghèo đói,.. xảy ra đó đây khắp thế giới. Đó
không phải là sự dữ sao? Đó không phải là hậu quả của những lúc con người chiều
theo những cám dỗ tin vi của satan sao? Thật vậy, đó là hầu quả của những đòn
tấn công mà satan sử dụng để nhắm vào kế
hoạch thần linh của Thiên Chúa: “cho con
người được sống và sống dồi dào”. Noi gương Chúa Giêsu, trong mùa chay này,
chúng ta hãy chuẩn bị đời sống nội tâm thật sâu sắc, biết mở lòng mình ra cho Thiên
Chúa để Người hướng dẫn, hành động, và chỉ bằng cách đó chúng ta mới có thể vượt
qua những cơn cám dỗ hằng ngày.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét