Thứ Sáu, 21 tháng 3, 2014

Suy Niệm Chúa Nhật 3 Mùa Chay- Năm A

Suy Niệm Chúa Nhật 3 Mùa Chay- Năm A
Ga 4,5-42
Suy niệm

Chúa Giêsu khát - chúng ta khát
Khát! Có cơn khát do nhu cầu thể lý và cũng có cơn khát do nhu cầu tinh thần. Thường người ta khát cả hai. Cơn khát do thể lý hằng ngày có thể được thỏa mãn nhanh chóng bằng nước được ban cách nhưng không, tuy nhiên vẫn có rất nhiều người chết vì thiếu nước. Bên cạnh đó còn có những cơn khát sâu xa hơn, nó xuất phát từ đòi hỏi của tâm hồn. Cơn khát này nó cũng có sức hủy hoại con người không kém cơn khát kia. Thật vậy, con người mọi thời luôn đối diện với cơn khát này: khát tâm linh, khát Thiên Chúa. Thánh Gioan mô tả một cuộc đối thoại đi từ cơn khát tự nhiên đến cơn khát Thiên Chúa, từ nước tự nhiên đến kinh nghiệm về Thiên Chúa. Người phụ nữ Samary trong bài Tin mừng hôm nay sẽ nói cho chúng ta biết kinh nghiệm của cô về Thiên Chúa và sẽ dẫn đưa chúng ta đến gặp Thiên Chúa.
“Chị cho tôi xin chút nước uống!”
Câu chuyện gặp gỡ của Chúa Giêsu với người phụ nữ ở giếng nước khởi đầu từ một yêu cầu đơn giản: “chị cho tôi xin chút nước uống!” Đó là vào lúc giữa trưa. Chúa Giêsu đang khát. Người đến giếng nước gần Samari và dừng lại nghỉ ngơi. Người phụ nữ trong làng đến giếng lấy nước. Cô đi ra khỏi làng vào lúc giữa trưa để lấy nước uống. Lúc này, điều lịch sự cần làm là phải phớt lờ người khác. Bởi vì người Do thái và người Samary không được phép giao thiệp với nhau, và người đàn ông không được phép nói chuyện với người phụ nữ nơi công cộng.
Chúa Giêsu trò chuyện với người phụ nữ cách công khai. Về mặt xã hội, điều này không thể chấp nhận được, và người phụ nữ Samary đã nhắc nhở Chúa Giêsu điều này. Nhưng Chúa Giêsu vượt ra khỏi rào cản của thành kiến giới tính, chủng tộc và tôn giáo, bất chấp rào cản của sự xấu và tội lỗi để đem tin vui của sự bình an cho cô, cho người Samary và cả dân ngoại. Chúa Giêsu và các muôn đệ đang khát khô cổ họng sau nửa ngày đường nắng nóng, nhưng Chúa Giêsu đã quyên đi cái khát đó. Cơn khát thực sự của Người bây giờ là cơn khát trao ban niềm tin và ơn cứu độ cho người phụ nữ. Thật vậy, Người có khẳ năng và sẵn sàng giải đáp cơn khát sâu xa của con người, mà cơn khát thể lý chỉ là dấu chỉ khởi đầu, miễn là con người trải lòng ra với Người như người phục nữ Samary đã trải lòng ra với Người.
 “Xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát”
Như Chúa Giêsu, người phụ nữ cũng đang khát. Đó là lý do tại sao cô đến giếng lấy nước. Thực sự, cơn khát của cô vượt ra ngoài cái khát cổ họng. Tâm hồn cô cần một chút bình yên từ sự náo động và hỗn độn trong những mối quan hệ tình cảm và xã hội của mình. Cô cần sự tha thứ và sự giải thoát khỏi những điều xấu hổ mà cô đang gặp. Cô cần tình yêu mà cô tìm kiếm khá liều lĩnh nhưng không tìm thấy sau lần chung sống với người đàn ông thứ năm. Cô cần ai đó để có thể tin cậy và tin tưởng. Cô cần một Đấng Cứu độ!
Nước hằng sống có nghĩa thông thường là nước chảy ra từ một con suối chứ không phải là nước từ giếng, hồ, chum nước tù đọng. Loại nước mà Chúa Giêsu nói đến là nước sự sống, dòng nước chảy, tươi mát và tinh khiết. Nước đó có khẳ năng lăn lỏi vào nơi sâu thẳm của tâm hồn con người. Nước hằng sống đó xuất phát từ đầu nguồn Thiên Chúa và được Đức Giêsu múc lấy cho chúng ta hằng ngày qua Lời của Người và chính con người của Người.
Thật vậy, cuộc đối thoại của Chúa Giêsu tiến triển từ lời xin nước uống cho đến cuộc bàn luận về nước hằng sống. Sự nhận biết của người phụ nữ về Chúa Giêsu tăng dần. Đối với cô, Chúa Giêsu lúc đầu chỉ là một người Do thái lạ mặt, sau đó là một ngôn sứ, rồi cuối cùng là Mêsia và Đấng Cứu Độ. Cuộc gặp gỡ với sự tương tác lạ thường như thế khiến người phụ nữ quên đi cơn khát thể lý, vì thế cô cầu xin Chúa Giêsu: “cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát”. Cơn khát của người phụ nữ được thoả mãn khi cô bắt đầu ý thức được đâu là những gì vĩnh cửu và đâu là những cái chóng qua. Điều này làm cho cô vui mừng đến độ cô để cái vò lại bên bờ giếng nước, trở về và kêu lên: "Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Ki-tô sao?(Ga 4,29).

Trong cuộc hành trình đức tin của chúng ta, có thể có hai giai đoạn: tin bởi vì ai đó đã nói cho chúng ta biết về Chúa Giêsu, và tin bởi vì chúng ta biết Chúa Giêsu qua kinh nghiệm cá nhân của chúng ta. Mùa chay là thời gian làm mới lại kinh nghiệm cá nhân về đức tin của chúng ta. Chúng ta hãy thực hiện cuộc gặp gỡ diện đối diện với Chúa Giêsu, chúng ta hãy trải lòng ra với Người để Người chất vấn, đụng chạm, biến đổi chúng ta. Khi chúng ta quay về với Người như mạch nước hằng sống, thì những cơn khát sâu xa của ta mới được thoả mãn, tâm hồn ta mới được bình an.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét