Suy Niệm Chúa Nhật 2 Mùa Chay- Năm A
Mt 17,1-9
Suy niệm
Chúng Ta Sẽ Được Rạng Ngời
Sau
một thời gian thi hành sứ vụ, Chúa Giêsu muốn biết các môn đệ và những người
khác nghĩ gì về bản thân mình, nên khi đến vùng kế cận thành Xêdarê Philípphê, Chúa
Giêsu mới hỏi các môn đệ: “người ta nói
Con Người là ai?”, nghe xong câu trả lời, Người hỏi tiếp: “còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”(Mt
16,13-14). Ngày hôm nay, Chúa Giêsu cũng cần chúng ta có câu trả lời quyết
liệt về bản thân Người. Chúng ta sẽ trả lời giống như những người chưa có đức tin
rằng Người là một nhà tiên tri, một nhà cách mạng tôn giáo, một nhà hiền triết,
một bậc thầy luân lý, hay với đức tin sâu sắc, chúng ta trả lời cách xác quyết
rằng Chúa Giêsu chính là Thiên Chúa, là Thiên Chúa thật và là người thật. Thật
vậy, cuộc biến hình của Chúa Giêsu cần thiết để củng cố niềm tin của các môn đệ
vào thiên tính của Người như thế nào, thì cũng thật sự cần thiết cho mỗi người Kitô hữu hôm nay như
vậy. Việc suy niệm biến cố biến hình hôm nay sẽ giúp chúng ta kiểm điểm lại đức
tin xem chúng ta đã thật sự tin vào thần tính của Người chưa và biến cố này có
ý nghĩa gì đối với chúng ta?
Giêsu
là Thiên Chúa
Bài Tin mừng hôm nay nằm trong bối cảnh thánh
Phêrô, đại diện cho các tông đồ, đã tuyên xưng thầy mình, Chúa Giêsu, là Đấng Mêsia mà Israel trong đợi. “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.
Đây là khoảnh khắc cho thấy sự tiến triển trong mối tương quan giữa Chúa
Giêsu và các môn đệ. Ở một mức độ nào đó, thánh Phêrô đã nhận ra thần tính của
Chúa Giêsu. Câu trả lời vang lên một điểm tới và như hoa quả của hoạt động của
Chúa Giêsu. Người cũng cho các môn đệ hiểu rõ căn tính của một Mêsia đích thực
là gì, và con đường Người sẽ đi qua. Người sẽ bị các nhà lãnh đạo loại trừ, bị
bắt, bị nhục hình, bị tố cáo và ngay cả bị hành hình. Và Chúa Giêsu mời gọi những
ai muốn là môn đệ của Người thì phải chuẩn bị bước trên cùng một con đường của
Người, nhưng đó là con đường dẫn đến vinh quang, sự sống vĩnh cửu.
Chúa Giêsu muốn đưa các môn đệ đi đến chỗ
hiểu biết rõ ràng và một lời tuyên xưng không mập mờ. Tất cả sự hiểu biết này
tùy thuộc Người là ai. Vì thế, Người đưa các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan lên ngọn
núi cao, rồi “Người biến hình trước các
ông”. Chúa Giêsu muốn cho các ông thấy rằng Người có vinh quang Thiên Chúa
và cuộc khải hoàn Phục sinh được giới thiệu trước. Thật vậy, cuộc biến hình là
sự kết hiệp Thiên Chúa với nhân tính trong một con người, Đức Giêsu Kitô, được
tỏ ra trong một cách thế đặc biệt. Ánh sáng, màu sắc, sự biến hóa nơi Chúa
Giêsu cho thấy rằng Người là một nhân vật thuộc thế giới khác, là Con Người mặc
lấy uy quyền và vinh quang. Lúc này, tấm
màn như được tháo gỡ và các môn đệ nhận thấy một thoáng hiện của thần tính chiếu
sáng qua nhân tính. Đó thật sự là cuộc biến hình cần thiết để các môn đệ nhận
thấy thần tính của Người: Con Thiên Chúa, đồng thời nhận ra sứ mạng thiên sai của
Người: làm cho con người được biến đổi trong vinh quang Thiên Chúa.
Tham
dự vào thiên tính mỗi ngày
Cuộc biến hình của Chúa Giêsu có ý nghĩa
gì đối với người Kitô hữu hôm nay? Cuộc biến hình của Chúa Giêsu là biểu lộ
tình yêu và ơn sủng của Người. Chúng ta có thể bị choáng ngợp bởi sự biến đổi
hình dạng này, nhưng sự mặc khải đó của Thiên Chúa chứng thực cho chúng ta rằng
Giêsu chính là Chúa, và đức tin của chúng ta vào Người không phải là sự hoang
tưởng. Vì thế, chúng ta không nên sống trong sợ hãi, nhưng hãy sống và hành động
trong Người nhờ đức tin. Qua cuộc biến hình, Chúa Giêsu muốn chúng ta sống niềm
hy vọng vinh quang ở phía trước, dù chúng ta đang sống dưới mặt đất này. Chúng
ta sẽ được biến đổi, sẽ được rạng ngời như chính Chúa Giêsu biến hình, khi sự cứu
độ được hoàn tất trong sự Phục Sinh của Thân Xác. Chúng ta sẽ sống trong một trời
mới đất mới, trong một vũ trụ được biến đổi. Thực tại cánh chung này sẽ tác động
đến cách sống của chúng ta ngay bây giờ.
Đời sống Kitô hữu có ý nghĩa khi mỗi người
tham dự thực sự vào thiên tính của Chúa Giêsu mỗi ngày. Chúng ta phải được biến đổi trong
Chúa Kitô, ngay bây giờ, bằng cách sống như Người đã sống, hành động như người đã
hành động. Việc biến hình này chỉ hoàn tất khi toàn thể con người, gồm cả thân
xác, hoàn toàn được cứu độ và biến đổi. Những người theo Chúa Giêsu, những người
được biến hình, bạn và tôi, bây giờ đang bước đi trên con đường của Người và đang
dần được biến đổi giống Người.
Tóm lại, biên cố biến hình giúp chúng ta giải
thích ý nghĩa và cùng đích của cuộc sống con người. Cuộc biến hình của Chúa
Giêsu là một thoáng hiện của điểm đến ở cuối cuộc hành trình mùa chay, đó là
vinh quang của Chúa Phục sinh. Nó nhắc chúng ta nhớ rằng mùa chay thống hối sẽ
cho chúng ta con đường đi đến niềm vui của sự Phục sinh, niềm vui của sự “biến
hình”.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét