Thứ Hai, 16 tháng 12, 2013

Suy niệm Chúa Nhật 3 Mùa vọng - Năm A


SUY NIỆM CHÚA NHẬT 3 MÙA VỌNG - NĂM – A


Tin mừng Mt 11, 2-11
Suy niệm
Trong bài Tin mừng Chúa Nhật vừa qua, chúng ta thấy một Gioan Tẩy mạnh mẽ loan báo về Đấng đến sau ông, quyền thế hơn ông, và ngay cả việc xách dép cho Người, ông cũng không xứng đáng (x. Mt 3, 11). Thế mà, hôm nay Gioan xuất hiện trong bài Tin mừng trong tình trạng bối rối về căn tính và mục đích của Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?(Mt 11, 3). Tại sao lúc này Gioan Tẩy giả lại tỏ vẻ nghi ngờ về Chúa Giêsu?
Chính ông Gioan là người được Kinh Thánh nói tới trong tư cách sứ giả Thiên Chúa, người dọn đường cho Chúa đến (x. Mt 11, 10). Toàn bộ sứ vụ của Gioan đều tập trung vào con người Giêsu. Gioan đã có một một viễn tượng về Đấng Mêsia. Ông đã nhận thấy Chúa Giêsu là Đấng Mêsia, tuy nhiên, những gì Chúa Giêsu thể hiện lúc này vượt sức sức tưởng tượng của ông. Gioan không biết rõ về Chúa Giêsu, như ông đã tự nhận:“Tôi đã không biết Người”(Ga 1, 31). Có lẽ ông cũng như những người thời đó quan niệm rằng Đấng Mêsia đến sẽ như một vị thẩm phán thi hành công lý, một anh hùng giải phóng dân tộc, một vị vua phục hồi sự thịnh vượng, huy hoàng một thời của vương triều Đavít, hay ít nhất là Người có thể bẻ gãy xiềng xích của Hêrôđê để giải phóng ông khỏi tình cảnh đen tối này. Vì thế, ở trong tù, qua những hành động của Chúa Giêsu, Gioan tự hỏi: Phải nghĩ về Chúa Giêsu thế nào? Người có phải là Đấng mà mình loan báo chăng? Người có thật đang tách hạt lúa khỏi vỏ trấu?
Chúa Giêsu biết Gioan hiểu rõ về Kinh Thánh nên Người muốn mượn lời Kinh thánh để giới thiệu chính mình, khi Người bảo các môn đệ Gioan: "Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng”. Chúa Giêsu không trả lời câu hỏi của Gioan cách trực tiếp và sáng sủa. Chúa Giêsu không muốn dùng lời nói để giải thích về mình nhưng Người muốn Gioan nhận ra những việc làm của Người. Và qua những hành động này, Chúa Giêsu muốn cho thấy quyền lực và ân sủng của Thiên Chúa đang đến gần. Thật vậy, khi Thiên Chúa hành động để cứu độ dân Người, Người biến đau thương và tang tóc thành niềm vui và hy vọng. Những phép lạ và hành động chữa lành của Chúa Giêsu hoàn thành lời tiên báo về Đấng mà ngôn sứ Isaia loan báo. Tuy nhiên, những hành động này không được thể hiện qua việc chiến thắng những thế lực trần thế: Gioan vẫn bị chém đầu, Chúa Giêsu vẫn chết trên thập giá, các môn đệ của Chúa vẫn bị bách hại. Sự chiến thắng này sẽ chỉ tỏ hiện trong ngày Chúa quang lâm. Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta không ngừng điều chỉnh lại cách chúng ta nhìn và hiểu lịch sử cứu độ, tức là không theo khuôn khổ các giấc mơ của chúng ta nhưng theo chương trình của Thiên Chúa.  
Nơi Chúa Giêsu, sự hiện diện đầy sức giải phóng của Thiên Chúa không chỉ thể hiện về mặt thể lý, nhưng cả về tinh thần. Chúa ban ơn chữa lành cho cả tâm hồn và thân xác. Trong sứ vụ của Chúa Giêsu, sự  thật về “Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại”(Mt 11, 5) được chứng thực. Đó là những hiệu quả cứu độ không thể chối cãi về trật tự thể lý, tuy nhiên, hiệu quả này chỉ ở cấp độ thứ hai, sự cứu chữa tâm hồn con người mới là điều chính yếu. Mùa vọng, Giáo hội mời gọi mọi Kitô hữu cần phải kiêm trì nuôi dưỡng niềm hy vọng cứu độ của Thiên Chúa, tuy nhiên, những điều mong đợi đó phải phù hợp với ưu tiên của Thiên Chúa.
Chúa Nhật thứ III Mùa Vọng gọi là Chúa Nhật "Gaudete": Hãy Vui Lên. Giáo hội mời gọi mọi Kitô hữu hãy vui mừng và tin tưởng đón ngày Chúa đến: đó là ngày mà “mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được, kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò và đau khổ và khóc than sẽ biến mất”(Is 35, 5-6a) . Mọi khuôn mặt sẽ rạng rỡ niềm vui vĩnh cửu. Để được như thế, những ngày còn lại của mùa vọng này, chúng ta hãy đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa qua những tiếng khóc than của những người đau khổ, người nghèo và người bị áp bức. Hành động đáp trả của chúng ta làm cho hành động cứu độ của Thiên Chúa được tỏ hiện.

 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét