Thứ Bảy, 26 tháng 4, 2014

Suy Niệm Chúa 2 Phục Sinh- Năm A


Suy Niệm Chúa 2 Phục Sinh- Năm A
HÃY CHẠM ĐẾN NGƯỜI
Cái chết của Chúa Giêsu phân tán các môn đệ và làm tan vỡ giấc mơ và niềm hy vọng Người sẽ cứu thoát dân tộc Israel. Những người kỳ vọng nhiều vào Chúa Giêsu xem biến cố Người bị treo trên thập giá như sự thất bại, và do đó họ cũng không thể lý giải hiện tượng “ngôi mộ trống” cho đến khi Chúa Phục sinh hiện ra và nói cho họ hiểu. Trong những lần hiện ra với các tông đồ, Chúa muốn chứng minh Người đã phục sinh qua việc cho họ thấy những vết thương nơi đôi bàn tay bàn chân bị đóng đinh, cạnh sườn bị đâm thủng của Người. Người trấn an họ, mang đến cho họ sự bình an, giúp họ lấy lại niềm tin và sai họ ra đi loan báo Tin mừng phục sinh. Trong bài Tin mừng hôm nay, một lần nữa chúng ta thấy  Chúa Giêsu sẵn lòng mời gọi Tôma chạm bàn tay của mình vào những vết thương đó.
Người cho các ông xem tay và cạnh sườn
Thật dễ mắc sai lầm khi cho rằng người ta sẽ có niềm tin nhờ được nhìn thấy Chúa Giêsu. Tin mừng nhiều lần cho chúng ta thấy rằng có nhiều người đã nhìn thấy Chúa Giêsu nhưng họ không tin vào Người. Nhìn thấy không phải là điều thiết yếu để có đức tin. Hành vi đức tin đòi hỏi một sự quyết định mang tín cá nhân và từ đó dân thân cho đức tin. Sau khi Chúa Giêsu bị đóng đinh, các ông rơi vào sợ hãi, các ông gặp khủng hoảng đề về đức tin trầm trọng. Cuộc sống cần kề trong ba năm qua không làm cho đức tin của các ông tăng trưởng và bền vững chút nào. Các ông dễ dàng tháo lui khi thầy mình bị đánh đập, nhục mạ, tra tấn, chết treo trên thập giá, ngoại trừ thánh Gioan. Vì thế, sự phục sinh không phải là điều kỳ vọng của các ông và hơn nữa vượt quá sức tưởng tượng của các ông.
Tôma không phải là tông đồ duy nhất nghi ngờ sự phục sinh của Chúa Giêsu. Các tông đồ khác đã từng bị Chúa Giêsu khiển trách vì “không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy”(Mc 16,14). Vì thế không lạ gì mỗi lần Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra với các môn đệ, sau lời chúc bình an, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn, rồi các môn đệ mới tỏ vẻ vui mừng vì được thấy Chúa. Chúa Giêsu làm vậy để các ông tin vào cách hiện diện mới của Người. Người muốn các ông hiểu rằng con người Phục sinh này cũng chính là con người đã từng sống, ăn ở, thi hành sứ vụ với các ông, chỉ khác một điều: thân xác đó được biến đổi.
Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!
Chúa Giêsu không che dấu các vết thương của mình trước các tông đồ. Người không quở trách sự nghi ngờ của Tôma, nhưng Người cho ông thấy các vết thương đó và mời ông chạm tay vào. Người muốn ông nhận ra Người. Người muốn dùng các vết thương đó để chữa lành sự nghi ngờ của của các ông. Người cho Tôma thấy những dấu chỉ của cái chết và tình yêu Người, và cũng chứng minh rằng Người là nguồn mạch ơn cứu độ. Khi Tôma chạm tay vào các vết thương đó, sự nghi ngờ của ông tan biến, và đức tin của ông hồi sinh.
Tôma đã phạm một sai lầm khi rời bỏ những tông đồ khác sau khi Chúa Giêsu chết. Ông đã chọn cách tách mình ra khỏi các tông đồ hơn là đồng hành với anh em trong lúc xảy ra nghịch cảnh. Ông không tin những người phụ nữ đã nhìn thấy Chúa Phục sinh và nghi ngờ lời chứng của những người anh em tông đồ của mình. Tuy nhiên, Tôma đã lấy lại can đảm để hòa nhập lại với các anh em tông đồ, và Chúa Giêsu tỏ mình ra cho ông và đoan chắc lần nữa rằng Người thực sự đã vượt qua cái chết và sống lại. Khi Tôma nhận ra Thầy mình, ông đã đi đến một quyết định bày tỏ niềm xác tín qua lời tuyên xưng mà trước đó chưa có ai thốt lên, “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Thật vậy, ông đi theo một lộ trình đức tin vào Chúa Phục sinh dài hơn các anh em khác, nhưng qua cảm nghiệm cá nhân và sự trợ giúp của Chúa Giêsu ông đã đạt được niềm tin. Ông đã bị Chúa Giêsu phục sinh khuất phục hoàn toàn. Đối với cá nhân ông bây giờ, Đức Giêsu là Đức Chúa và Thiên Chúa, Người là Đức Chúa có quyền năng cứu độ. Chính niềm tin đó đã thúc đẩy thánh Tôma tông đồ đã đi rao giảng ở Patia, Ba Tư và ngài cũng tới loan báo Tin Mừng tại Ấn Độ và được phúc tử đạo tại đó.
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đến gần với Người đụng chạm đến những vết thương của Người. Cho dù không chạm đến Người về thể lý, thì chúng ta cũng có thể gần người trong tinh thần và chân lý, trong Lời Chúa và Thánh Thể. Và chúng ta được mời gọi làm chứng cho người khác. Bổn phận của những người tin là làm cho Chúa Giêsu hữu hình trong thế giới. Một khi chúng ta đụng chạm được vào Chúa Kitô, chúng ta sẽ bị thôi thúc phải giới thiệu Chúa Giêsu Phục sinh cho người khác. Niềm tin đó phải thúc đẩy chúng ta ra đi như thánh Tôma trong bài Tin mừng hôm nay.

Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2014

Suy Niệm Chúa Phục Sinh- Năm A

Suy Niệm Chúa Phục Sinh- Năm A
Ga 20,1-9
Suy niệm
SỰ SỐNG MỚI TRONG CHÚA PHỤC SINH

Hôn nay toàn thể Giáo hội cử hành mầu nhiệm Phục sinh và vui mừng công bố “Chúa đã sống lại thật – chúng ta hãy vui mừng hoan hỉ. Chúa Giêsu đã sống lại! Đó là thông điệp hôm nay. Đó là đức tin nền tảng của Kitô giáo, vì như lời thánh Phaolô nói “nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng”(1Cr 15,14). Ngược lại, “Nếu như Đức Kitô Phục sinh, một điều gì đó mới đích thực xuất hiện, thay đổi cả thế giới và hoàn cảnh con người.

Con người mong mình tiếp tục tồn tại
Từ nơi sâu thẳm tâm hồn, con người luôn đặt vấn đề về hiện sinh của mình: tôi sống ở đời này để làm gì? Có sự sống đời sau hay không? Con người sẽ như thế nào sau khi chết?... Sở dĩ những câu hỏi như thế luôn chất vấn con người vì con người khao khát được sống và sống vĩnh cữu. Chính vì thế, sự kháng cự của con người trước cái chết đã trở thành hiển nhiên. Từ ngàn xưa, con người nghĩ rằng ở một nơi nào đó chắc chắn phải có một loại thảo dược chống lại cái chết, chống lại định mệnh nghiệt ngã này. Và họ lên rừng xuống biển để tìm loại thảo dượt đó. Ngày hôm nay cũng thế, con người đang đi tìm chất chữa trị để không những loại trừ cái chết, mà còn loại trừ hết sức có thể những nguyên nhân gây nên cái chết, cố gắng mang lại cho con người một cuộc sống tốt đẹp hơn và trường thọ hơn. Nếu thực sự được như thế thì cuộc sống sẽ ra sao? Có phải là một điều tốt đẹp khi cái chết không hoàn toàn được loại bỏ nhưng chỉ có thể được đẩy xa hơn một ít? Hay, một cuộc sống không có điểm kết thúc sẽ là một thiêng đàng hay một án phạt?
Thiên Chúa đã ban cho con người một loại “dược thảo” khác. Dược thảo ấy tạo nên trong chúng ta một cuộc sống mới, đích thực có khả năng hướng đến vĩnh cữu: dược thảo ấy phải biến đổi chúng ta đến độ chúng ta không còn phải chấm dứt với cái chết (Đức Bênêdictô VI).

Một sự sống hoàn toàn mới trong Chúa Giêsu Phục sinh
Các bằng chứng của Tân ước cho thấy rằng sự phục sinh của Chúa Giêsu không giống như một phép lạ mà Chúa Giêsu đã làm để phục hồi sự sống cho anh thanh niên thành Naim, con gái ông Giarô hay anh Lazarô, và rồi cuối cùng họ cũng đi vào cái chết vĩnh viễn. Nếu như thế, cuộc hiện sinh của con người không có gì thay đổi cả.
Cuộc phục sinh của Chúa Giêsu là một sự khai mở vào một sự sống hoàn toàn mới, một cuộc sống không bị qui luật thời gian và không gian chi phối, không nằm trong qui luật của sự chết và đổi thay, nhưng là sự sống được biến đổi. Thật vậy, Chúa Giêsu Phục sinh đi vào một con đường sống hoàn toàn mới. Sau phục sinh, người ta không nhận ra Người, ngay cả những người bạn thân thiết nhất. Người ở khắp mọi nơi trong một thân xác được biến đổi. Các nhân chứng đã chạm trán với một thực tế hoàn toàn mới mẻ, vượt quá cảm nghiệm của họ, dù rằng niềm tin sự phục sinh không phải là điều gì mới mẻ đối với họ. Niềm tin Do thái công nhận một có cuộc sống lại của người chết vào ngày sau hết. Thực tế mới lạ này đã chụp bắt họ và thúc đẩy họ làm chứng.

Ngôi mộ trống trong bài Tin mừng hôm nay là nơi mà Chúa Giêsu đã chào đón Maria Madalêna, Phêrô và Gioan, là nơi mà đức tin vào Chúa Giêsu Phục sinh được sinh ra, một đức tin trở nên đá tảng và đối tượng của lời rao giảng. Đó là đức tin mang đến sự biến đổi và thật cần thiết để giúp người Kitô hữu nhận ra rằng, với Chúa Giêsu phục sinh, tất cả chúng ta sẽ sống một cuộc sống mới. Cuốc sống mà chúng ta được tháp nhập vào Thân Thể Phục sinh của Chúa Giêsu trong bí tích Rửa tội, và hôm nay không ngừng được biến đổi, một cuộc sống sẽ biến đổi để được sống đời đời. Đó là Tin Mừng của ngày hôm nay, và Tin mừng này phải thúc đẩy chúng ta sống niềm vui Phục sinh ngay trong lúc này, và sau đó loan báo cho mọi người.

Thứ Bảy, 12 tháng 4, 2014

Suy Niệm Chúa Nhật Lễ Lá - Năm A

Suy Niệm Chúa Nhật Lễ Lá - Năm A
Mt 21, 1-11; 26,14-27,66
Suy niệm
CHÚC TỤNG ĐẤNG NGỰ ĐẾN NHÂN DANH ĐỨC CHÚA!
Hôm nay, toàn thể Giáo hội tưởng niệm biến cố Chúa Giêsu tiến vào đền thánh để hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua. Người đi vào thành Giêrusalem vào tuần cuối cùng của cuộc đời công khai trong sự tán dương, reo hò của dân chúng. Họ làm theo nghi thức đón rước một vị vua: lấy áo trải xuống đường, tay cầm cành lá cọ, miệng reo hò mừng rỡ: “Hoan hô Con vua Đavít! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Hoan hô trên các tầng trời.”(Mt 21,9). Trong khi đó, bài đọc Tin mừng Thánh lễ hôm nay lại gợi lên một hình khác thật trái ngược, một sự thay đổi thái độ thật đột ngột của đám đông dân chúng. Chính những người reo mừng Chúa Giêsu này, cũng là những người kêu gào đòi đóng đinh Người vào thập giá. Tại sao họ thay đổi thái độ nhanh như vậy?
“Hosanna! hoan hô con vua Đavít”. Nguyên thủy, lời này có ý nghĩa là “xin cứu giúp!”. Thời Chúa Giêsu, lời này mang ý nghĩa: mong chờ Đấng Mêsia. Như thế, lời hoan hô của đám đông biểu lộ niềm phấn khởi, khát khao, hy vọng giờ của Đấng Mêsia sắp xuất hiện. Người ta hy vọng một người mà có khả năng xua đuổi ma quỉ, làm cho người mù sáng mắt, người què đi được, người chết hồi sinh, có thể thay đổi bầu không khí chính trị ngột ngạt đang bao trùm trên dân chúng, có thể giải phóng họ khỏi ách thống trị của ngoại ban. Hosanna! Xin hãy cứu chúng tôi khỏi thảm cảnh này!
Khi quyết định lên Giêrusalem, Chúa Giêsu biết điều gì thực sự sắp xảy ra. Và khi tiến vào thành Giêrusalem, Người biết có sự “nhầm lẫn” nào đó trong những lời ca tụng đó. Thật vậy, họ tung hô Người nhưng không hiểu Người đích thực là ai và sứ mạng của Người là gì. Họ chỉ nhìn thấy dấu chỉ bề ngoài qua những hành động ban ơn cứu độ nhưng chưa nhận thấy được thực chất của ơn cứu độ Người sẽ mang đến. Vì thế, họ dễ dàng bị kích động, bị hướng theo những mục đích nhất thời. Chúa Giêsu nhận thức rõ ràng rằng: lời nói và hành động của Người làm cho người Do thái phẫn nộ, những lời tuyên bố công khai về căn tính của Người sẽ đưa đến sự phản bội và bắt bớ, sứ mạng Thiên sai không đáp ứng ước vọng tạm thời của dân chúng. Người hoàn toàn nhận thức rằng Cuộc Thương khó đang chờ đợi mình.
Biết vậy, nhưng Chúa Giêsu muốn chứng minh rằng mình cũng là một vị Vua, và Người đòi quyền của một vị vua, nhưng không phải là một vị vua được trạng bị bằng quyền lực, sức mạnh trần gian, vị vua có khả năng giải phóng dân Israel ra khỏi áp lực chính trị, xã hội. Người tiến vào thành trong tư cách là vị Vua hòa bình, khiêm hạ trên lưng lừa. “Người muốn con đường và hoạt động của Người phải được hiểu từ những lời hứa Cựu Ước, những lời hứa này đã trở thành hiện thực trong thực tại của Người: Người hoạt động và sống trong lời Thiên Chúa, chứ không từ chương trình hoạch định từ phía ước muốn của con người”(Đức Bênêdictô XVI).
Chúa Giêsu tiến lên Giêrusalem để thực thi sứ mạng giải phóng con người, và đỉnh điểm của cuộc tiến lên là thập giá. Chúa Giêsu đi trước chúng ta, Người hướng lên cao và Người muốn đưa chúng ta lên. Thật vậy, Người muốn kéo chúng ta ra khỏi vũng lầy của gian dối, tầm thường và dẫn chúng ta lên đến những gì là cao thượng, thanh khiết. Người muốn kéo chúng ta ra khỏi sức trì kéo của sự nóng nảy, dửng dưng và hướng chúng ta về tính kiên nhẫn, biết chịu đựng và sẵn sàng nâng đỡ người khác. Người dẫn chúng ta ra khỏi những tháp ngà khép kín và sự sợ hãi, và giúp chúng ta mở rộng lòng ra với những người đau khổ, trung kiên đứng về phía anh em, dầu cho có lúc lầm vào tình cảnh khó khăn. Người đưa chúng ta ra khỏi tù ngục của hận thù và dẫn chúng ta đến tình yêu và tiến về Thiên Chúa. Đó là sứ mạng đích thực của vị Vua Hòa bình.
Tóm lại, hôm nay chúng ta được mời gọi tưởng nhớ Chúa Giêsu Vua Hòa bình tiến vào thành Giêrusalem qua đó mời gọi chúng ta theo, hướng cái nhìn của chúng ta xa hơn, đến thành Thánh Giêrusalem trên trời, chứ không phải hướng vào thực tại tạm bợ, nhất thời như cứu cánh của cuộc đời. Giáo hội chào đón Chúa Giêsu như vị Vua, Đấng phát xuất từ Thiên Chúa, nhân danh Thiên Chúa đã đến với chúng ta. Ước gì Đấng ngự đến nhân danh Chúa sẽ mang đến cho trần gian điều đang có trên trời cao. Ước gì vương quyền và hòa bình của Thiên Chúa đi vào trần gian san bằng những vũng lầy, sự tối tăm, tù ngục vốn kéo con người xa lìa Thiên Chúa. Như thế, trần gian sẽ ngập tràn ánh sáng của vị Vua Hòa Bình.


Thứ Bảy, 5 tháng 4, 2014

Suy Niệm Chúa Nhật 5 Mùa Chay - Năm A

Suy Niệm Chúa Nhật 5 Mùa Chay - Năm A
Ga 11,1-45
Suy niệm
“Ông ta lại không thể làm cho anh ấy khỏi chết ư?”
Chúa Giêsu làm cho Lazarô sống lại là một trong những câu chuyện ấn tượng trong Thánh Kinh. Đây được xem như là bằng chứng xác thực chứng tỏ Chúa Giêsu chính là Thiên Chúa và Ngài có quyền trên sự sống con người. Đây là phép lạ thứ bảy mà Chúa Giêsu đã làm và là phép lạ quan trọng nhất trong số các phép lạ của Người trong Tân ước. Tuy nhiên đây không đơn thuần là một sự kiện phi thường, nhưng là một dấu chỉ của lời hứa Thiên Chúa “nâng dậy” tất cả những ai đã chết trong Đức Kitô được vào sự sống đời đời. Đây là niềm tin và hy vọng của chúng ta.
Những người Do thái đã chứng kiến nhiều phép lạ Chúa Giêsu đã làm. Việc làm cho người chết sống lại cũng không phải là phép lạ đầu tiên hay duy nhất của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã làm cho con gái ông Giaia (Lc 8, 40-56), và con trai bà goá thành Nain sống lại (Lc 7,11-16), Hai trường hợp này được phục hồi sự sống ngay sau khi chết, trong khí đó, Lazarô đã chết và chôn ở trong mồ được bốn ngày. Chính vì thế mà một số người Do thái hoài nghi về khả năng phục hồi sự sống đối với trường hợp của Lazarô: “Ông ta đã mở mắt cho người mù, lại không thể làm cho anh ấy khỏi chết ư?”, và Mátta cũng vậy, cô ngăn cản Chúa Giêsu khi Người bảo mọi người đem phiến đá chắn cửa mồ, cô liền nói: “Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày”. Chúng ta biết rằng người Do thái tin linh hồn của người chết, bằng cách này hay cách khác, ở bên thân xác ba ngày, nên thân xác chưa chết hẳn. Sau ba ngày, linh hồn sẽ rời vĩnh viễn thân xác, và lúc đó thân xác sẽ tan rã. Khả năng phục hồi sự sống là zero. Nên việc Mátta phản đối cho thấy một cái nhìn bình thường rằng: lúc này mọi tình thế đều vô vọng.
Những người quen biết cũng như gia đình đành bất lực trước cái chết đã đến ngày thứ bốn. Họ chỉ biết an ủi nhau cách yếu ớt. Họ biểu lộ niềm tin vào Đức Giêsu có thể chữa lành những người đau ốm, tật nguyền,… nhưng họ cũng biểu lộ sự thất vọng vì Chúa Giêsu không đến kịp lúc. Nhiều người trong họ cũng có niềm tin vào sự phục sinh, nhưng họ chỉ dừng lại ở khả năng phục sinh thân xác vào tương lai cánh chung, đó là lúc Thiên Chúa ra tay nhãn tiền, còn bây giờ thì không thể.
Chúa Giêsu nâng những ai chỗi dậy khi họ bắt đầu tình trạng sức cùng lực kiệt, suy tàn. Người trao ban ánh sáng cho người mù như một sự mặc khải về sức mạnh và quyền năng sáng tạo của Người. Người không chỉ làm cho con người hồi sinh qua việc kết hợp linh hồn và thể xác lại, nhưng Người cũng phục hồi chính thân xác. Vì thế, không chỉ là việc nâng Lazarô chỗi dậy như là một dấu chỉ biểu lộ căn tính Thiên Chúa và quyền lực trao ban sự sống của Người, điều này còn phản ánh thực tại của sự phục sinh thân xác. Thiên Chúa có thể phục hồi những thân xác sau khi đã hư nát. Đó là dấu chỉ của sự phục sinh mai sau.
Sự can thiệp của Chúa Giêsu cho thấy Thiên Chúa không phải là Đấng xa vời, dửng dưng trước các vấn đề hệ trọng của con người. Thiên Chúa làm người cũng có trái tim thương cảm, cũng động lòng xao xuyến, cũng thổn thức trong lòng. Hơn thế nữa, Chúa Giêsu còn là Thiên Chúa và Người thực sự muốn thay đổi điều gì đó cho con người và có thể đem lại sự nâng đỡ cho họ bằng quyền lực thần linh. Tuy nhiên, mục tiêu chính của Thiên Chúa nhập thể không phải là giải quyết những chuyện nhân sinh tạm bợ, nhưng Người muốn dùng những phép lạ đó để bày tỏ rằng Thiên Chúa muốn hướng, muốn dẫn con người người đến con đường của sự sống đích thật, và điều này thực sự xảy ra khi con người có đức tin. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu bảo Mátta: “nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa”.

Nói tóm lại, bằng hành vi của mình Chúa Giêsu cho thấy rằng cái chết không còn bách chiến bách thắng nữa. Nó không phải là giới hạn đối với Người, nhưng Người có quyền trên cái chết. Những điều Người muốn ban cho con người thật sự không phải là sự sống trần thế được kéo dài mãi mãi, nhưng sự sống trong sự hiệp thông vĩnh cữu với Thiên Chúa. Muốn thế, chúng ta cần tránh thái độ cứng lòng của người Do thái, và thái độ bán tín bán nghi của Mátta và Maria để hoàn toàn tin rằng “chính Người là sự sống lại và là sự sống…. tin vào Người sẽ không chết bao giờ (x. Ga 11,25-26).