SUY NIỆM LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA - NĂM A
THIÊN CHÚA XUỐNG TẬN ĐÁY THẲM CUỘC ĐỜI
Tin mừng: Mt 3,13-17
Biến cố Thiên Chúa làm người là một tin vui trọng đại
và là hồng ân lớn lao cho toàn thể nhân loại. Từ nay, Thiên Chúa luôn ở giữa
con người và vũ trụ này. Tuy nhiên, đó là một cớ vấp phạm cho một số người, vì
họ cho rằng đối tượng của đức tin phải là một điều gì đó vĩnh cửu, huyền nhiệm vượt
ra ngoài không gian hữu hạn này. Thế nên, việc tin vào biến cố Thiên Chúa làm
người chẳng khác gì chấp nhận cái Vô biên bị nhốt vào cái hữu hạn, một Thiên
Chúa khôn dò khôn thấu bị bó rọ trong một điểm nhỏ nhoi của vũ trụ, một con người
Giêsu. Như thế chúng ta đã loại trừ huyền nhiệm của Thiên Chúa?
Hôm nay, qua trình thuật của thánh Mátthêu, chúng ta
tiếp tục đối diện với điều mà không ai có thể tưởng tượng ra, đó là Thiên Chúa
liên đới trọn vẹn với số phận mạt kiếp của con người khi Chúa Giêsu, Thiên Chúa
thật, tự xếp mình vào hàng ngũ các tội nhân để chờ được nhận phép rửa. Như thế,
sự Thánh thiêng của Thiên Chúa có bị tổn thương? Thiên Chúa có nhiều cách để cứu
con người, thế thì tại sao Người chọn cách đồng hàng với tội nhân? Chúa Giêsu có
cần thiết phải hạn mình xuống tận đáy thẳm cuộc đời của mỗi người để cứu độ
chúng ta?
Chúa Giêsu đến tận đáy
thẳm cuộc đời con người
Chúng ta, không ít thì nhiều, đã có kinh nghiệm cứu giúp
người khác trong cơn nguy khốn, tuy nhiên không phải lúc nào chúng ta cũng
thành công. Đâu phải hễ nhân danh tình thương, có thiện chí, có phương tiện là chúng
ta có thể ra tay kéo người khác ra khỏi những vũng lầy của cuộc đời được! Dĩ
nhiên có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính yếu của sự thất bại này là
thiếu sự thấu hiểu, sự đồng cảm với người mà mình muốn giúp. Thật vậy, muốn
giúp người khác được, chúng ta phải có lòng thương cảm và hiểu biết. Và chỉ khi
người ta nhận được những tín hiệu tình thương từ phía chúng ta thì người đó mới
đồng ý cho chúng ta giúp họ.
Đối với Thiên Chúa, cây lau bị giập, Người không đành
bẻ gẫy, tim đèn leo lét, Người cũng chẳng nỡ tắt đi (x. Is 42, 3) thì làm sao Người có
thể ngoảnh mặt trước những đứa con mà mình tạo ra đang gặp thử thách khó khăn,
đang chìm trong vũng lầy của tội lỗi. Trong tình cảnh như thế, con người không
mong muốn gì hơn một cánh tay vững chãi, từ ái, vô điều kiện để mình có thể tin
tưởng, phó thác. Thiên Chúa biết được nỗi đau khổ của tạo vật nói chung, và con
người nói riêng đang quằn quại trong vũng lầy tội lỗi, vì thế Người sai Con Một
của Người, Đức Giêsu đến và “mang thân
xác giống như thân xác tội lỗi chúng ta” (Rm 8,3), “Người đã mang lấy các tật nguyền của chúng ta và gánh lấy các bệnh hoạn
của ta” (Mt 8,17’ Is 53,4). Người đã trở nên thành viên và thủ lãnh của một
nhân loại tội lỗi. Cánh tay từ ái của Người đã vươn đến tận những tâm hồn đau
khổ, tan nát, dày vò.
Nếu Chúa Giêsu không vào vai của con người để thấu hiểu
hết tâm trạng của con người, thì có lẽ Người cũng sẽ mãi mãi là người đứng bên
lề câu chuyện, đứng ngoài tầm ô nhiễm của
lịch sử con người. Nhưng, Chúa Giêsu muốn tỏ mình ra trong mối tương quan
cá nhân, và Người đã chọn cách đứng vào hàng ngũ các tội nhân và trầm mình vào
dòng sông Giođan để giữ trọn đức công
chính, tức làm theo thánh ý Chúa Cha. Người biết rằng chúng ta đang ở đó, tại
đáy thẳm cuộc đời, trong tình trạng nghèo hèn. Người sẵn sàng đến để gặp chúng
ta, băng bó vết thương, chữa lành các tật nguyền thể xác và tâm hồn, và cuối
cùng Người đưa chúng ta lên hiệp thông với Thiên Chúa.
Một phương cách làm việc
tông đồ
Trong toàn bộ Tin mừng, chúng ta thấy Chúa Giêsu đã tỏ
thái độ đối với những người Người đến phục vụ: chăm sóc, đồng bàn, băng bó, tha
thứ và sống ở giữa họ. Mọi hoạt động, lời rao giảng của Người được qui định bởi
chiều hướng và sứ mạng này. Người sẽ đi đến cùng lập trường này khi chấp nhận tự
hủy trong cái chết trên thập giá.
Thật vậy, Người cứu độ chúng ta bằng cách đi vào tình
cảnh của mỗi người, để có thể thấu hiểu, và từ đó biến đổi chúng ta từ bên
trong. Như thế, Thiên Chúa muốn phác họa cho các Kitô hữu hôm nay một phương
cách làm việc tông đồ: không phải là đứng từ trên mà phê phán, thống trị nhưng
hòa mình để chia sẻ tình cảnh với người khác.
Muốn thấu hiểu nỗi đau khổ của người cần được cứu
giúp, chúng ta phải nhìn kỹ lại thiện chí, khả năng và cung cách của mình. Cho
dù có đầy thiện chí nhưng chúng ta vẫn tỏ vẻ của một bề trên, của một đàn anh
đàn chị, của một người công chính thánh thiện thì chúng ta chưa thực hiện tốt vai
trò của mình. Muốn vào được vai Chúa Giêsu thì hoặc là chúng ta đã từng nếm trải
những nỗi đau ấy, hoặc là có sự đồng cảm thật sự với những người chúng ta muốn
giúp. Của cho không bằng cách cho, sự trợ giúp không bằng cách giúp. Để làm được
như vậy, chúng chỉ còn cách bỏ bớt cái tôi tự mãn của mình để sẳn sàng làm người
bạn thân, làm chỗ tựa, làm nơi an ủi thật sự cho họ.
Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa nhắc chúng ta nhớ đến phép
rửa của mỗi người. Qua Phép rửa đã lãnh nhận, chúng ta đón nhận một tiếng gọi từ
Thiên Chúa: Hãy trở nên môn đệ đích thực của Chúa Giêsu bằng cách bắt chước hành
động hạ mình thẳm sâu của Người, luôn nhìn ý thức thân phận nhỏ bé của mình trước
sự cao cả vô biên của Thiên Chúa. Hãy trở thành người phục vụ những người nghèo
khó, cảm thông với những người còn ở trong bóng tối sự dữ, tôn trọng những người
cô thân cô thế, tích cực rao giảng Tin Mừng giải thoát cho mọi người.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét