Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2014

Suy niệm Chúa Nhật 3 Thường Niên - Năm A

Suy niệm Chúa Nhật 3 Thường Niên - Năm A

TIẾNG GỌI QUA CÔNG VIỆC THƯỜNG NHẬT
 
  




Bắt đầu sứ vụ công khai, hành động đầu tiên của Chúa Giêsu là qui tụ một số người quanh mình để họ chia sẻ công việc và sứ vụ của Người. Họ không phải là những người Pharisêu hay các nhà thông luật, không phải là những nhà thông thái hay những người có ảnh hưởng trong cộng đoàn, nhưng là những ngư phủ không được học hành nhiều.

Hôm nay, chúng hướng nhìn về khung cảnh xảy ra lời mời gọi của Chúa Giêsu hướng về bốn môn đệ đầu tiên. Những người đã thực sự gặp Chúa Giêsu khi Người đã đi vào cuộc sống thường nhật của các ông và gọi các ông khi các ông đang vá lưới, đang thả lưới. Điều này có nghĩa rằng tiếng gọi xảy đến với chúng ta ngay trong chính môi trường chúng ta đang làm việc và sự khởi đầu của ơn gọi đến từ Chúa Giêsu. Chúa Giêsu rõ ràng đã nhìn thấy họ đang làm việc. Người biết rằng người cần những người khác giúp Người trong việc loan báo Tin mừng của Nước Thiên Chúa.

Anrê và Simon đang quăng chài và Giacôbê và Gioan đang vá lưới

Trong trình thuật Tin mừng của thánh Luca và Gioan, chúng ta thấy các môn đệ ít nhiều có thời gian khám phá về con người Giêsu trước khi họ được gọi, trong khi đó trình thuật của Máthêu thị lại khác. Chúa Giêsu tình cờ đi ngang qua nơi các môn đệ làm việc, và bỗng dưng Người gọi hai anh em ngư phủ: Anrê và Simon Phêrô, Giacôbê và Gioan. Và ngoại trừ trừ câu nói: "Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá", thì Người không đưa ra điều kiện gì cho việc theo Người, nơi họ sẽ đến và những gì họ phải làm. Mátthêu không bận tâm đến những chi tiết. Sự bận tâm của ngài là việc Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai và Người cần sự giúp đỡ để Người có thể làm cho mình, “ánh sáng muôn dân”, chiếu tỏa trên mọi người.

Bốn môn đệ đầu tiên đã đáp lại tiếng gọi của Chúa Giêsu thế nào? Trong những lời của Mátthêu, các ông lập tức“bỏ chài lưới mà đi theo Người”. Mặc dù, họ không biết trước về Chúa Giêsu, nhưng họ đặt trọn niềm tin vào Người, vì thế họ để lại mọi thứ đằng sau: lưới đánh cá, cha mẹ và gia đình. Chính Chúa Giêsu cũng đã rời bỏ làng quê Nazareth, gia đình, công việc của một người thợ mộc đi dấn thân vào sứ vụ của mình. Từ đây, cuộc sống của họ không chỉ goi gọn trong sự lo lắng những gì họ đã đón nhận và gì giữ, nhưng còn phải phục vụ cho anh chị em, đặc biệt là những người bần cùng nhất.

Tiếng gọi theo Chúa Giêsu thiết lập một mối tương quan giữa những gì bây giờ các môn đệ là và những gì họ phải trở nên. Chúa Giêsu bảo họ hãy trở nên những “những kẻ lưới người”. Công việc trước kia của họ: kéo thực phẩm từ biển cả tối tăm và sâu thẳm, bây giờ mang một dấu chỉ của một thực tại thâm sâu hơn: kéo mọi người từ nơi tối tăm của tội lỗi và sự chết về trong ánh sáng của Chúa Giêsu Kitô.

Chúa Giêsu gọi chúng ta làm môn đệ

Câu nói của Chúa Giêsu: “tôi sẽ làm cho các anh thành…” có hàm ý rằng Người muốn cho các môn đệ một ý nghĩa, mục đích mới của của công việc. Các ông có thể tận dụng khả năng lưới cá để lưới người cho Nước Trời. Hay nói cách khác, ý tưởng và mục đích cuối cùng mỗi công việc là con người.

Thật tuyệt vời cho những tâm hồn mà sau khi gặp Chúa và nghe tiếng gọi của Chúa, bỏ lại chài lưới, cha mẹ họ, thuyền họ và lập tức đi theo Người. Tiếng gọi của Chúa Giêsu không mang tính ép buộc. Chúa muốn ai mà thờ phượng Người trong sự tự do và Thần khí. Người được gọi thì luôn luôn có thể có thể kháng lại hay chấp nhận tiếng gọi.

Tuy nhiên, chiều kích khác của tiếng gọi là sự thay đổi trong tâm hồn. Tiếng gọi của Thiên Chúa đi vào tận sâu thẳm tâm hồn con người và thay đổi con người. Một sự thay đổi không chỉ được diễn ra ở vẻ bên ngoài, nhưng còn thay đổi ở nơi sâu thẳm tâm hồn. Thật vậy, tiếng gọi không chỉ làm cho chúng ta rời bỏ cha mẹ, công việc, đúng hơn nó thay đổi tình yêu và mục đích của con tim chúng ta. Vì thế, là môn đệ của Giêsu, chúng tiếp tục những hành động của Chúa Giêsu đã làm, đó là giảng dạy, chữa trị, an ủi, cầu nguyện, thăm viếng người tội lỗi,… Sự đáp trả này thay đổi chúng ta, và sự thay đổi này có thể xảy đến cho công việc hiện tại, hay chúng ta vẫn tiếp tục công việc hiện tại đó trong ý thức về một sứ vụ mới. Mục đích của tiếng gọi là được sai đi.

Một khi gặp được Chúa Giêsu, thì một người đánh cá vẫn cứ hoài là một người đánh cá như xưa? Một đôi mắt đã thực sự nhìn thấy Chúa Giêsu thì làm sao có thể vẫn mù lòa trước lời kêu gọi cho một sứ vụ cao cả và thiết thực của Tin mừng? Chúa Giêsu đã gọi các môn đệ thực thi sứ mạng cứu độ của Người. Chúa Giêsu vẫn tiếp tục kêu gọi những môn đệ trong suốt chiều dài lịch sử. Chúa Giêsu cũng đang kêu gọi chúng ta trở nên môn đệ của Người trong môi trường xã hội hôm nay.

 
 
 
 


0 nhận xét:

Đăng nhận xét