SUY NIỆM CHÚA NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN - NĂM A
Ga 1,29-34
Suy niệm
“ĐỂ NGƯỜI ĐƯỢC TỎ RA”
Sau khi cử hành những mầu nhiệm ánh sáng của biến cố Nhập
thể, hôm nay chúng ta bước vào Chúa Nhật thứ hai của chu kỳ quanh năm. Đây là thời
gian thuận tiện cho chúng ta chiêm niệm sứ vụ công khai của Chúa Giêsu qua lời
nói và hành động của Người.
Không phải chỉ cần nhìn thấy Chúa Giêsu là đủ để biết
Người là ai và Người mang đến điều gì cho con người. Chúa Giêsu không cho mọi
người nhận biết Người bằng các thị kiến hay những bằng chứng bên ngoài, nhưng Người
muốn những người được kêu gọi làm chứng về Người bằng cách giới thiệu Người cho
người khác và đem người khác đến với Người. Tin mừng theo thánh Gioan hôm nay làm
nổi bật lên vai trò chứng nhân thực sự của Gioan Tẩy giả về Chúa Giêsu. Ông đã
hoàn thành tốt vai trò của một người làm chứng với một cung cách khiêm hạ.
“Người phải nổi bật lên” (Ga 3,30).
Gioan Tẩy giả bắt đầu sứ mệnh của mình bằng việc giới
thiệu căn tính và sứ vụ của Chúa Giêsu cho người Do thái. Tin mừng thứ tư cho
chúng ta biết đây là lần đầu tiên Chúa Giêsu xuất hiện công khai, nhưng Người
không có một thông điệp nào cho chúng ta. Chính Gioan Tẩy giả là người giới thiệu
tất cả về Chúa Giêsu: Chiên Thiên Chúa,
Đấng xoá bỏ tội trần gian, Con Thiên Chúa. Vai trò này thật quan trọng
đến nỗi cả bốn sách Tin mừng đều có những trình thuật nêu bật vài trò và sứ mạng
của một sứ giả đi trước mặt Chúa, dọn đường
cho Chúa. Thật vậy, Cuộc đời của ông là một bằng chứng, và qua đó hành động của
Thiên Chúa được tỏ ra trong lịch sử con người.
Qua bốn Tin mừng, chúng ta có thể khẳng định rằng
Gioan đã hoàn thành xuất sắc sứ mạng này. Qua những lời rao giảng và kêu gọi
sám hối, Gioan đã tạo nên bầu không khí sôi sục tại Giêrusalem: đám đông lũ lượt
kéo đến xin ông làm phép rửa, ngay cả một số người Pharisêu, Xađốc, thu thuế,
binh lính cũng đến xin chịu phép rửa (Mt 3,7;Lc 3,1-10). Tiếng nói đanh thép của
ông đã tạo ra một sự chuyển biến mới trong đời sống thiêng liêng của người Do
thái. Hành động của ông như đang lôi kéo mọi người vào quĩ đạo của lòng đạo đức,
khơi gợi lại niềm hy vọng Mêsia đã kéo dài khá lâu, đến nỗi họ tự hỏi: “biết đâu ông Gioan lại chẳng là Đấng Mêsia!”(Lc
3,15). Thế nhưng, Gioan kết thúc phận vụ của mình ngay ở đỉnh cao của sứ vụ,
rút lui và nhường “sân khấu” lại cho Đấng mà ông giới thiệu. Không dao động bởi
lòng yêu mến của công chúng, Gioan Tẩy giả chấp nhận và hài lòng với vai phụ của
mình.
Có thể sánh ví cung cách của Gioan Tẩy giả với cung
cách của các bậc hiền đức Đông phương: Chân
nhân bất lộ tướng. Sau khi cống hiến tài đức cho các bậc minh quân, cho thời
cuộc, các ngài rút về nơi thanh vắng. Các ngài không tận dụng những điểm mạnh của
mình để thu hút sự chú ý, sự yêu thích và sự lựa chọn của đám đông để rồi làm
lu mờ hình ảnh minh chủ của mình. Cũng vậy, Gioan Tẩy giả ý thức rõ lý do hiện
hữu của mình trong thế giới này. Ông biết tại sao ông đến trong cuộc đời này: đến làm phép rửa trong nước để Người được tỏ
ra cho dân Ít-ra-en (Ga 1,30). Ông chỉ là người cầm chiếc gậy chỉ về Chúa
Giêsu và nói: Đây là Chiên Thiên Chúa, …Người
trổi hơn tôi, vì có trước tôi. Đó là cung cách làm chứng về Chúa Giêsu của Gioan
Tẩy giả: “Người phải nổi bật lên, còn thầy
phải lu mờ đi” (Ga 3,30).
“Để Người được tỏ ra” trong thế giới hôm nay
Gioan Tẩy giả được sai đến để làm chứng cho Đấng Cứu
Thế, và ông đã hoàn thành sứ mạng này. Cũng chính ông đã đưa các môn đệ của
mình đến với Chúa Giêsu (Ga 1,35-37), sau đó các môn đệ này trở thành những chứng
nhân cho Chúa Giêsu (x. Ga 1,41.45; 19,35) và Người đã sai họ đến thế gian (x.
17,18; 20,21). Đến lượt mình, mỗi người Kitô hữu cũng được mời gọi trở thành những
chứng nhân cho Thiên Chúa trong bối cảnh hôm nay.
Sứ vụ của chúng ta là giới thiệu cho mọi người biết
Chúa Kitô, tiếp tục công việc của Người trên mặt đất, mang ánh sáng, tình yêu của
Người đến cho người khác như lời ngôn sứ Isaia: “Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến
tận cùng cõi đất."(Is 49,6). Chúng ta được mời gọi làm việc này vì
phép rửa của chúng ta. Và Chúa không ngừng tìm kiếm những tâm hồn thiện chí và sẵn
lòng trở thành dụng cụ của Người trong việc mang ơn cứu độ đến cho người khác.
Điều quan trọng hơn hết là chúng ta phải có thái độ và
cung cách nào để sứ vụ này mang lại hiệu quả. Trong bối cảnh xã hội hôm nay,
người ta thích đánh bóng tên tuổi của mình, tìm mọi cách để khẳng định giá trị
bản thân, ngay cả chiêu bài: hạ giá người khác để mình được nâng lên. Có những
công việc, ở dáng vẻ bề ngoài, dường như đang hướng đến lợi ích của người khác,
của cộng đồng, nhưng thực chất, người ta lợi dụng nó để đánh bóng tên tuổi của mình
hay tổ chức của mình. Điều này cũng có thể xảy ra với chúng ta. Chúng ta có
nguy cơ được tôn vinh, được đề cao giá trị bản thân nhờ việc thi hành sứ vụ làm
chứng này. Như thế, thay vì chúng ta để Chúa Giêsu lớn lên thì chúng ta để mình
lớn lên che khuất hình ảnh thực của Chúa Giêsu. Thay vì sứ vụ và con người của
chúng ta biểu lộ vinh quang của Thiên Chúa (x. Is 49,3), thì chúng ta mang vinh
quang về cho mình.
Tóm lại, trong tư cách là người đi trước dọn đường cho
Chúa, Gioan Tẩy giả lặng lẽ dâng trọn cuộc đời mình mở đường cho Chúa đến, nhờ
đó mọi người được chiêm ngắm vinh quang Thiên Chúa tỏ hiện nơi Chúa Giêsu. Trên các nẻo đường làm chứng cho đức
tin vào Chúa Giêsu, người Kitô hữu cần để cho Người tỏ mình thật sự. Chúng ta
chỉ có thể chọn cung cách của Gioan Tẩy giả để qua những công việc loan báo và
làm chứng đó, người ta nhận ra khuôn mặt thực của Chúa Giêsu. Nếu tôi coi “cái
tôi” của mình quá lớn, thì hẳn nhiên Đức Kitô trong tôi phải nhỏ đi. Làm cho “cái
tôi” của mình nhỏ lại, chết đi, thì Đức Kitô mới sinh ra, lớn lên và rõ nét. Giữa
Đức Kitô và “cái tôi” của tôi luôn có tỉ lệ nghịch với nhau: Người phải lớn lên,
còn tôi phải nhỏ lại, hoặc tôi lớn lên và Người chỉ còn cách là nhỏ lại.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét