Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2014

Suy niệm Chúa Nhật 3 Thường Niên - Năm A

Suy niệm Chúa Nhật 3 Thường Niên - Năm A
TIẾNG GỌI QUA CÔNG VIỆC THƯỜNG NHẬT
 
  




Bắt đầu sứ vụ công khai, hành động đầu tiên của Chúa Giêsu là qui tụ một số người quanh mình để họ chia sẻ công việc và sứ vụ của Người. Họ không phải là những người Pharisêu hay các nhà thông luật, không phải là những nhà thông thái hay những người có ảnh hưởng trong cộng đoàn, nhưng là những ngư phủ không được học hành nhiều.

Hôm nay, chúng hướng nhìn về khung cảnh xảy ra lời mời gọi của Chúa Giêsu hướng về bốn môn đệ đầu tiên. Những người đã thực sự gặp Chúa Giêsu khi Người đã đi vào cuộc sống thường nhật của các ông và gọi các ông khi các ông đang vá lưới, đang thả lưới. Điều này có nghĩa rằng tiếng gọi xảy đến với chúng ta ngay trong chính môi trường chúng ta đang làm việc và sự khởi đầu của ơn gọi đến từ Chúa Giêsu. Chúa Giêsu rõ ràng đã nhìn thấy họ đang làm việc. Người biết rằng người cần những người khác giúp Người trong việc loan báo Tin mừng của Nước Thiên Chúa.

Anrê và Simon đang quăng chài và Giacôbê và Gioan đang vá lưới

Trong trình thuật Tin mừng của thánh Luca và Gioan, chúng ta thấy các môn đệ ít nhiều có thời gian khám phá về con người Giêsu trước khi họ được gọi, trong khi đó trình thuật của Máthêu thị lại khác. Chúa Giêsu tình cờ đi ngang qua nơi các môn đệ làm việc, và bỗng dưng Người gọi hai anh em ngư phủ: Anrê và Simon Phêrô, Giacôbê và Gioan. Và ngoại trừ trừ câu nói: "Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá", thì Người không đưa ra điều kiện gì cho việc theo Người, nơi họ sẽ đến và những gì họ phải làm. Mátthêu không bận tâm đến những chi tiết. Sự bận tâm của ngài là việc Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai và Người cần sự giúp đỡ để Người có thể làm cho mình, “ánh sáng muôn dân”, chiếu tỏa trên mọi người.

Bốn môn đệ đầu tiên đã đáp lại tiếng gọi của Chúa Giêsu thế nào? Trong những lời của Mátthêu, các ông lập tức“bỏ chài lưới mà đi theo Người”. Mặc dù, họ không biết trước về Chúa Giêsu, nhưng họ đặt trọn niềm tin vào Người, vì thế họ để lại mọi thứ đằng sau: lưới đánh cá, cha mẹ và gia đình. Chính Chúa Giêsu cũng đã rời bỏ làng quê Nazareth, gia đình, công việc của một người thợ mộc đi dấn thân vào sứ vụ của mình. Từ đây, cuộc sống của họ không chỉ goi gọn trong sự lo lắng những gì họ đã đón nhận và gì giữ, nhưng còn phải phục vụ cho anh chị em, đặc biệt là những người bần cùng nhất.

Tiếng gọi theo Chúa Giêsu thiết lập một mối tương quan giữa những gì bây giờ các môn đệ là và những gì họ phải trở nên. Chúa Giêsu bảo họ hãy trở nên những “những kẻ lưới người”. Công việc trước kia của họ: kéo thực phẩm từ biển cả tối tăm và sâu thẳm, bây giờ mang một dấu chỉ của một thực tại thâm sâu hơn: kéo mọi người từ nơi tối tăm của tội lỗi và sự chết về trong ánh sáng của Chúa Giêsu Kitô.

Chúa Giêsu gọi chúng ta làm môn đệ

Câu nói của Chúa Giêsu: “tôi sẽ làm cho các anh thành…” có hàm ý rằng Người muốn cho các môn đệ một ý nghĩa, mục đích mới của của công việc. Các ông có thể tận dụng khả năng lưới cá để lưới người cho Nước Trời. Hay nói cách khác, ý tưởng và mục đích cuối cùng mỗi công việc là con người.

Thật tuyệt vời cho những tâm hồn mà sau khi gặp Chúa và nghe tiếng gọi của Chúa, bỏ lại chài lưới, cha mẹ họ, thuyền họ và lập tức đi theo Người. Tiếng gọi của Chúa Giêsu không mang tính ép buộc. Chúa muốn ai mà thờ phượng Người trong sự tự do và Thần khí. Người được gọi thì luôn luôn có thể có thể kháng lại hay chấp nhận tiếng gọi.

Tuy nhiên, chiều kích khác của tiếng gọi là sự thay đổi trong tâm hồn. Tiếng gọi của Thiên Chúa đi vào tận sâu thẳm tâm hồn con người và thay đổi con người. Một sự thay đổi không chỉ được diễn ra ở vẻ bên ngoài, nhưng còn thay đổi ở nơi sâu thẳm tâm hồn. Thật vậy, tiếng gọi không chỉ làm cho chúng ta rời bỏ cha mẹ, công việc, đúng hơn nó thay đổi tình yêu và mục đích của con tim chúng ta. Vì thế, là môn đệ của Giêsu, chúng tiếp tục những hành động của Chúa Giêsu đã làm, đó là giảng dạy, chữa trị, an ủi, cầu nguyện, thăm viếng người tội lỗi,… Sự đáp trả này thay đổi chúng ta, và sự thay đổi này có thể xảy đến cho công việc hiện tại, hay chúng ta vẫn tiếp tục công việc hiện tại đó trong ý thức về một sứ vụ mới. Mục đích của tiếng gọi là được sai đi.

Một khi gặp được Chúa Giêsu, thì một người đánh cá vẫn cứ hoài là một người đánh cá như xưa? Một đôi mắt đã thực sự nhìn thấy Chúa Giêsu thì làm sao có thể vẫn mù lòa trước lời kêu gọi cho một sứ vụ cao cả và thiết thực của Tin mừng? Chúa Giêsu đã gọi các môn đệ thực thi sứ mạng cứu độ của Người. Chúa Giêsu vẫn tiếp tục kêu gọi những môn đệ trong suốt chiều dài lịch sử. Chúa Giêsu cũng đang kêu gọi chúng ta trở nên môn đệ của Người trong môi trường xã hội hôm nay.

 
 
 
 


Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2014

Suy niệm Chúa Nhật 2 Thường niên - Năm A


SUY NIỆM CHÚA NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN - NĂM A
 Ga 1,29-34
 
Suy niệm
“ĐỂ NGƯỜI ĐƯỢC TỎ RA”
Sau khi cử hành những mầu nhiệm ánh sáng của biến cố Nhập thể, hôm nay chúng ta bước vào Chúa Nhật thứ hai của chu kỳ quanh năm. Đây là thời gian thuận tiện cho chúng ta chiêm niệm sứ vụ công khai của Chúa Giêsu qua lời nói và hành động của Người.
Không phải chỉ cần nhìn thấy Chúa Giêsu là đủ để biết Người là ai và Người mang đến điều gì cho con người. Chúa Giêsu không cho mọi người nhận biết Người bằng các thị kiến hay những bằng chứng bên ngoài, nhưng Người muốn những người được kêu gọi làm chứng về Người bằng cách giới thiệu Người cho người khác và đem người khác đến với Người. Tin mừng theo thánh Gioan hôm nay làm nổi bật lên vai trò chứng nhân thực sự của Gioan Tẩy giả về Chúa Giêsu. Ông đã hoàn thành tốt vai trò của một người làm chứng với một cung cách khiêm hạ.

 “Người phải nổi bật lên” (Ga 3,30).
Gioan Tẩy giả bắt đầu sứ mệnh của mình bằng việc giới thiệu căn tính và sứ vụ của Chúa Giêsu cho người Do thái. Tin mừng thứ tư cho chúng ta biết đây là lần đầu tiên Chúa Giêsu xuất hiện công khai, nhưng Người không có một thông điệp nào cho chúng ta. Chính Gioan Tẩy giả là người giới thiệu tất cả về Chúa Giêsu: Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá bỏ tội trần gian, Con Thiên Chúa. Vai trò này thật quan trọng đến nỗi cả bốn sách Tin mừng đều có những trình thuật nêu bật vài trò và sứ mạng của một sứ giả đi trước mặt Chúa, dọn đường cho Chúa. Thật vậy, Cuộc đời của ông là một bằng chứng, qua đó hành động của Thiên Chúa được tỏ ra trong lịch sử con người.
Qua bốn Tin mừng, chúng ta có thể khẳng định rằng Gioan đã hoàn thành xuất sắc sứ mạng này. Qua những lời rao giảng và kêu gọi sám hối, Gioan đã tạo nên bầu không khí sôi sục tại Giêrusalem: đám đông lũ lượt kéo đến xin ông làm phép rửa, ngay cả một số người Pharisêu, Xađốc, thu thuế, binh lính cũng đến xin chịu phép rửa (Mt 3,7;Lc 3,1-10). Tiếng nói đanh thép của ông đã tạo ra một sự chuyển biến mới trong đời sống thiêng liêng của người Do thái. Hành động của ông như đang lôi kéo mọi người vào quĩ đạo của lòng đạo đức, khơi gợi lại niềm hy vọng Mêsia đã kéo dài khá lâu, đến nỗi họ tự hỏi: “biết đâu ông Gioan lại chẳng là Đấng Mêsia!”(Lc 3,15). Thế nhưng, Gioan kết thúc phận vụ của mình ngay ở đỉnh cao của sứ vụ, rút lui và nhường “sân khấu” lại cho Đấng mà ông giới thiệu. Không dao động bởi lòng yêu mến của công chúng, Gioan Tẩy giả chấp nhận và hài lòng với vai phụ của mình.
Có thể sánh ví cung cách của Gioan Tẩy giả với cung cách của các bậc hiền đức Đông phương: Chân nhân bất lộ tướng. Sau khi cống hiến tài đức cho các bậc minh quân, cho thời cuộc, các ngài rút về nơi thanh vắng. Các ngài không tận dụng những điểm mạnh của mình để thu hút sự chú ý, sự yêu thích và sự lựa chọn của đám đông để rồi làm lu mờ hình ảnh minh chủ của mình. Cũng vậy, Gioan Tẩy giả ý thức rõ lý do hiện hữu của mình trong thế giới này. Ông biết tại sao ông đến trong cuộc đời này: đến làm phép rửa trong nước để Người được tỏ ra cho dân Ít-ra-en (Ga 1,30). Ông chỉ là người cầm chiếc gậy chỉ về Chúa Giêsu và nói: Đây là Chiên Thiên Chúa, …Người trổi hơn tôi, vì có trước tôi. Đó là cung cách làm chứng về Chúa Giêsu của Gioan Tẩy giả: “Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi” (Ga 3,30).

“Để Người được tỏ ra” trong thế giới hôm nay
Gioan Tẩy giả được sai đến để làm chứng cho Đấng Cứu Thế, và ông đã hoàn thành sứ mạng này. Cũng chính ông đã đưa các môn đệ của mình đến với Chúa Giêsu (Ga 1,35-37), sau đó các môn đệ này trở thành những chứng nhân cho Chúa Giêsu (x. Ga 1,41.45; 19,35) và Người đã sai họ đến thế gian (x. 17,18; 20,21). Đến lượt mình, mỗi người Kitô hữu cũng được mời gọi trở thành những chứng nhân cho Thiên Chúa trong bối cảnh hôm nay.
Sứ vụ của chúng ta là giới thiệu cho mọi người biết Chúa Kitô, tiếp tục công việc của Người trên mặt đất, mang ánh sáng, tình yêu của Người đến cho người khác như lời ngôn sứ Isaia: “Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất."(Is 49,6). Chúng ta được mời gọi làm việc này vì phép rửa của chúng ta. Và Chúa không ngừng tìm kiếm những tâm hồn thiện chí và sẵn lòng trở thành dụng cụ của Người trong việc mang ơn cứu độ đến cho người khác.
Điều quan trọng hơn hết là chúng ta phải có thái độ và cung cách nào để sứ vụ này mang lại hiệu quả. Trong bối cảnh xã hội hôm nay, người ta thích đánh bóng tên tuổi của mình, tìm mọi cách để khẳng định giá trị bản thân, ngay cả chiêu bài: hạ giá người khác để mình được nâng lên. Có những công việc, ở dáng vẻ bề ngoài, dường như đang hướng đến lợi ích của người khác, của cộng đồng, nhưng thực chất, người ta lợi dụng nó để đánh bóng tên tuổi của mình hay tổ chức của mình. Điều này cũng có thể xảy ra với chúng ta. Chúng ta có nguy cơ được tôn vinh, được đề cao giá trị bản thân nhờ việc thi hành sứ vụ làm chứng này. Như thế, thay vì chúng ta để Chúa Giêsu lớn lên thì chúng ta để mình lớn lên che khuất hình ảnh thực của Chúa Giêsu. Thay vì sứ vụ và con người của chúng ta biểu lộ vinh quang của Thiên Chúa (x. Is 49,3), thì chúng ta mang vinh quang về cho mình.
Tóm lại, trong tư cách là người đi trước dọn đường cho Chúa, Gioan Tẩy giả lặng lẽ dâng trọn cuộc đời mình mở đường cho Chúa đến, nhờ đó mọi người được chiêm ngắm vinh quang Thiên Chúa tỏ hiện nơi Chúa Giêsu. Trên các nẻo đường làm chứng cho đức tin vào Chúa Giêsu, người Kitô hữu cần để cho Người tỏ mình thật sự. Chúng ta chỉ có thể chọn cung cách của Gioan Tẩy giả để qua những công việc loan báo và làm chứng đó, người ta nhận ra khuôn mặt thực của Chúa Giêsu. Nếu tôi coi “cái tôi” của mình quá lớn, thì hẳn nhiên Đức Kitô trong tôi phải nhỏ đi. Làm cho “cái tôi” của mình nhỏ lại, chết đi, thì Đức Kitô mới sinh ra, lớn lên và rõ nét. Giữa Đức Kitô và “cái tôi” của tôi luôn có tỉ lệ nghịch với nhau: Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại, hoặc tôi lớn lên và Người chỉ còn cách là nhỏ lại.

Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2014

Suy niệm Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa - Năm A


SUY NIỆM LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA - NĂM A


THIÊN CHÚA XUỐNG TẬN ĐÁY THẲM CUỘC ĐỜI

Tin mừng: Mt 3,13-17
Biến cố Thiên Chúa làm người là một tin vui trọng đại và là hồng ân lớn lao cho toàn thể nhân loại. Từ nay, Thiên Chúa luôn ở giữa con người và vũ trụ này. Tuy nhiên, đó là một cớ vấp phạm cho một số người, vì họ cho rằng đối tượng của đức tin phải là một điều gì đó vĩnh cửu, huyền nhiệm vượt ra ngoài không gian hữu hạn này. Thế nên, việc tin vào biến cố Thiên Chúa làm người chẳng khác gì chấp nhận cái Vô biên bị nhốt vào cái hữu hạn, một Thiên Chúa khôn dò khôn thấu bị bó rọ trong một điểm nhỏ nhoi của vũ trụ, một con người Giêsu. Như thế chúng ta đã loại trừ huyền nhiệm của Thiên Chúa?
Hôm nay, qua trình thuật của thánh Mátthêu, chúng ta tiếp tục đối diện với điều mà không ai có thể tưởng tượng ra, đó là Thiên Chúa liên đới trọn vẹn với số phận mạt kiếp của con người khi Chúa Giêsu, Thiên Chúa thật, tự xếp mình vào hàng ngũ các tội nhân để chờ được nhận phép rửa. Như thế, sự Thánh thiêng của Thiên Chúa có bị tổn thương? Thiên Chúa có nhiều cách để cứu con người, thế thì tại sao Người chọn cách đồng hàng với tội nhân? Chúa Giêsu có cần thiết phải hạn mình xuống tận đáy thẳm cuộc đời của mỗi người để cứu độ chúng ta?
Chúa Giêsu đến tận đáy thẳm cuộc đời con người
Chúng ta, không ít thì nhiều, đã có kinh nghiệm cứu giúp người khác trong cơn nguy khốn, tuy nhiên không phải lúc nào chúng ta cũng thành công. Đâu phải hễ nhân danh tình thương, có thiện chí, có phương tiện là chúng ta có thể ra tay kéo người khác ra khỏi những vũng lầy của cuộc đời được! Dĩ nhiên có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính yếu của sự thất bại này là thiếu sự thấu hiểu, sự đồng cảm với người mà mình muốn giúp. Thật vậy, muốn giúp người khác được, chúng ta phải có lòng thương cảm và hiểu biết. Và chỉ khi người ta nhận được những tín hiệu tình thương từ phía chúng ta thì người đó mới đồng ý cho chúng ta giúp họ.
Đối với Thiên Chúa, cây lau bị giập, Người không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, Người cũng chẳng nỡ tắt đi (x.  Is 42, 3) thì làm sao Người có thể ngoảnh mặt trước những đứa con mà mình tạo ra đang gặp thử thách khó khăn, đang chìm trong vũng lầy của tội lỗi. Trong tình cảnh như thế, con người không mong muốn gì hơn một cánh tay vững chãi, từ ái, vô điều kiện để mình có thể tin tưởng, phó thác. Thiên Chúa biết được nỗi đau khổ của tạo vật nói chung, và con người nói riêng đang quằn quại trong vũng lầy tội lỗi, vì thế Người sai Con Một của Người, Đức Giêsu đến và “mang thân xác giống như thân xác tội lỗi chúng ta” (Rm 8,3), “Người đã mang lấy các tật nguyền của chúng ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta” (Mt 8,17’ Is 53,4). Người đã trở nên thành viên và thủ lãnh của một nhân loại tội lỗi. Cánh tay từ ái của Người đã vươn đến tận những tâm hồn đau khổ, tan nát, dày vò.
Nếu Chúa Giêsu không vào vai của con người để thấu hiểu hết tâm trạng của con người, thì có lẽ Người cũng sẽ mãi mãi là người đứng bên lề câu chuyện, đứng ngoài tầm ô nhiễm của lịch sử con người. Nhưng, Chúa Giêsu muốn tỏ mình ra trong mối tương quan cá nhân, và Người đã chọn cách đứng vào hàng ngũ các tội nhân và trầm mình vào dòng sông Giođan để giữ trọn đức công chính, tức làm theo thánh ý Chúa Cha. Người biết rằng chúng ta đang ở đó, tại đáy thẳm cuộc đời, trong tình trạng nghèo hèn. Người sẵn sàng đến để gặp chúng ta, băng bó vết thương, chữa lành các tật nguyền thể xác và tâm hồn, và cuối cùng Người đưa chúng ta lên hiệp thông với Thiên Chúa.
Một phương cách làm việc tông đồ
Trong toàn bộ Tin mừng, chúng ta thấy Chúa Giêsu đã tỏ thái độ đối với những người Người đến phục vụ: chăm sóc, đồng bàn, băng bó, tha thứ và sống ở giữa họ. Mọi hoạt động, lời rao giảng của Người được qui định bởi chiều hướng và sứ mạng này. Người sẽ đi đến cùng lập trường này khi chấp nhận tự hủy trong cái chết trên thập giá.
Thật vậy, Người cứu độ chúng ta bằng cách đi vào tình cảnh của mỗi người, để có thể thấu hiểu, và từ đó biến đổi chúng ta từ bên trong. Như thế, Thiên Chúa muốn phác họa cho các Kitô hữu hôm nay một phương cách làm việc tông đồ: không phải là đứng từ trên mà phê phán, thống trị nhưng hòa mình để chia sẻ tình cảnh với người khác.
Muốn thấu hiểu nỗi đau khổ của người cần được cứu giúp, chúng ta phải nhìn kỹ lại thiện chí, khả năng và cung cách của mình. Cho dù có đầy thiện chí nhưng chúng ta vẫn tỏ vẻ của một bề trên, của một đàn anh đàn chị, của một người công chính thánh thiện thì chúng ta chưa thực hiện tốt vai trò của mình. Muốn vào được vai Chúa Giêsu thì hoặc là chúng ta đã từng nếm trải những nỗi đau ấy, hoặc là có sự đồng cảm thật sự với những người chúng ta muốn giúp. Của cho không bằng cách cho, sự trợ giúp không bằng cách giúp. Để làm được như vậy, chúng chỉ còn cách bỏ bớt cái tôi tự mãn của mình để sẳn sàng làm người bạn thân, làm chỗ tựa, làm nơi an ủi thật sự cho họ.
Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa nhắc chúng ta nhớ đến phép rửa của mỗi người. Qua Phép rửa đã lãnh nhận, chúng ta đón nhận một tiếng gọi từ Thiên Chúa: Hãy trở nên môn đệ đích thực của Chúa Giêsu bằng cách bắt chước hành động hạ mình thẳm sâu của Người, luôn nhìn ý thức thân phận nhỏ bé của mình trước sự cao cả vô biên của Thiên Chúa. Hãy trở thành người phục vụ những người nghèo khó, cảm thông với những người còn ở trong bóng tối sự dữ, tôn trọng những người cô thân cô thế, tích cực rao giảng Tin Mừng giải thoát cho mọi người.

Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2014

Suy niệm Lễ Hiển Linh



 “Muôn dân nước thảy đều phụng sự Người” (x. Tv 72,11).

 
Tin mừng: Mt 2,1-12
Thiên Chúa đến với con người và Thiên Chúa muốn con người nhận biết Người. Suốt chiều dài lịch sử Israel, bằng những cách thức khác nhau, Thiên Chúa tỏ mình ra cho Dân của Người qua các các tổ phụ, các ngôn sứ. Còn đối với các “dân ngoại”, những dân tộc không được mặc khải, thì họ dùng trí khôn của mình để nhận biết Thiên Chúa khi chiêm ngắm những công trình của Người (x. Rm 1,20). Trong biến cố Ngôi Hai Thiên Chúa sinh xuống làm người, ngoài việc thiên thần của Thiên Chúa mặc khải cho các mục đồng về Hài nhi Giêsu, Thiên Chúa còn dùng ngôi sao lạ để dẫn các nhà đạo sĩ Phương đông đến bái lạy Hài Nhi Giêsu (x. Mt 1:1-3).
Thiên Chúa muốn hết thảy chư dân nhận biết Người
Hai trình thuật Kinh Thánh, một của Mátthêu và một của Luca, đã nói về biến cố sinh hạ của Chúa Giêsu, nhưng chỉ có trình thuật của Mátthêu ghi lại sự xuất hiện của ngôi sao và các nhà đạo sĩ phương đông. Nhờ thế, chúng ta thấy được một bức tranh toàn cảnh như tác giả Thánh vịnh 72 loan báo: “Mọi quân vương phủ phục trước bệ rồng, muôn dân nước thảy đều phụng sự” Người (x. Tv 72,11). Trong bức tranh đó có “ Ba Vua”, các mục đồng, bò lừa, sao trời,… tất đang qui phục trước Đấng Tối Cao mang hình hài của một Hài Nhi nhỏ bé, yếu ớt, mỏng mạnh. Như thế, đối tượng đầu tiên của cuộc tỏ hiện này là các mục đồng nghèo hèn, thấp cổ bé họng. Qua các thiên thần, Thiên Chúa như trực tiếp loan báo tin vui lớn lao, một “tin mừng trọng đại, tin mừng của toàn dân” cho những tâm hồn đơn sơ này. Đối tượng thứ hai, đó là những dân ngoại, những dân tộc xa lạ với lời hứa cứu độ. Bằng khả năng hiểu biết thiên văn học của mình, họ đã khám phá ra dấu vết Thiên Chúa. Một ngôi sao xuất hiện bất thường trên bầu trời đã thúc đẩy các nhà đạo sĩ bôn ba lên đường và tra hỏi: "Đức Vua dân Do thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người."(Mt 2,2). Một khởi đầu cho hành trình tìm kiếm Thiên Chúa của họ. Thật vậy, Thiên Chúa dùng mọi cách thế để Hài Nhi Vua được nhận biết và Người phải là Đấng được sở hữu bởi mọi người.
Ngôi sao, yếu tố khởi đầu cho cuộc gặp gỡ Thiên Chúa
Ngôi sao lạ đã dân đưa các nhà đạo sĩ đến vùng đất Giuđa. Theo suy luận bình thường, khi tìm vị “vua của người Do thái” thì đương nhiên họ phải đến tư dinh của vua Hêrôđê, nơi mà vị vua tương lai mới có thể sinh ra. Bằng trí khôn hay cách suy luận thông thường, các nhà đạo sĩ chỉ mới đặt chân đến được “vùng ngoại vi” của cuộc gặp gỡ Thiên Chúa. Còn muốn gặp được “người thừa kế đích thực của vua Đavít, họ cần phải có những lời chỉ dẫn của Thánh Kinh Israel, lời của Thiên Chúa hằng sống (Đức Bênêndictô XVI). Đúng vậy, ngôi sao dẫn đường có vai trò tác động sơ khởi cho cuộc hành trình tìm kiếm Thiên Chúa. Hình ảnh ngôi sao là dấu chứng đầu tiên để họ lên đường. Ngôi sao không thể nói cho các nhà đạo sĩ hay cho bất cứ ai, nếu họ không được đánh động bằng một cách thức khác: được đánh động từ bên trong nhờ niềm hy vọng vào ngôi sao xuất hiện trên nhà Giacóp (Đức Bênêndictô XVI). Các đạo sĩ Phương đông trong điều kiện cụ thể của mình đã đọc ra ngôn ngữ của vũ trụ, và do đó nó giúp họ ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa, nó gợi lên hy vọng vào sự tỏ mình của Thiên Chúa và nó giúp họ xác tín rằng sẽ có lúc họ sẽ gặp được Thiên Chúa. Tuy nhiên, ngôi sao dẫn đường không phải là “người bạn đồng hành” hay “người dẫn đường” xuyên suốt trong cuộc hành trình tìm kiếm Thiên Chúa của các nhà đạo sĩ. Ngôi sao có lúc phải biến mất để nhường cho những lời chỉ dẫn của lời Chúa trong Sách thánh. Quả đúng như vậy, bằng cách đó họ tìm ra Đấng mà bên ngoài có vẻ yếu ớt và mong manh, nhưng mang lại niềm vui sâu xa cho tâm hồn. Thế là họ liền sấp mình thờ lạy Người, dâng lên Người vàng, nhũ hương và mộc dược như một dấu chỉ của sự thần phục.
Cuộc gặp gỡ tạo nên những ngã rẽ cho cuộc đời
Cuộc trở về quê hương của các nhà đạo sĩ sau khi gặp được Hài Nhi Giêsu không phải là sự kết thúc của một hành trình kiếm Hài Nhi, Vua của dòng dõi Đavít của chư dân, nhưng là một sự “khởi đầu của đoàn rước khổng lồ của những ai, dọc suốt dòng thời gian của lịch sử biết nhận ra sứ điệp của ngôi sao, biết bước trên con đường được Sách Thánh chỉ dẫn để đến với Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa”.
Ngày hôm nay, bên cạnh những ngôi sao trên bầu trời âm thầm nói về Thiên Chúa, mỗi người chúng ta có “Ngôi sao Giêsu” mọc lên, đi trước, dẫn đường cho chúng ta tiến tới Thiên Chúa. Hạnh phúc biết bao nếu chúng ta bước theo ngôi sao đó cách kiên định trong suốt cuộc hành trình của cuộc đời, dù cho ngôi sao đó lúc ẩn lúc hiện, lúc sáng tỏ lúc mờ nhạt, và những lúc dường như biến mất trong cuộc đời chúng ta. Bằng cách đó, mỗi người theo cách thế của mình sống cái kinh nghiệm của các nhà đạo sĩ năm xưa.